NMD - Dự án tham vọng của Mỹ. |
“Tổng thống Putin và tôi từng đồng ý rằng quyết định rút khỏi hiệp ước sẽ không ảnh hưởng gì đến mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước cũng như an ninh của Nga. Chiến tranh Lạnh qua lâu rồi. Ngày hôm nay, chúng ta xóa bỏ đi một trong những tàn dư của nó. Nhưng đây không phải là dịp chúng ta nhìn lại quá khứ, mà là dịp để ta hướng về phía trước với hy vọng thịnh vượng và hòa bình”, ông Bush khẳng định.
Dù thế, Tổng thống Nga Vladimir Putin có vẻ không hài lòng với lời bào chữa của George Bush. Ông Putin cho rằng Mỹ đã sai lầm khi không tiếp tục tham gia ABM, hòn đá tảng cho an ninh thế giới. Thông báo của Tổng thống Bush không làm Matxcơva ngạc nhiên vì trước đó hai bên đã tổ chức rất nhiều cuộc đàm phán nhưng không mang lại một kết quả khả quan nào.
Chính quyền Washington luôn chỉ trích Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo (ABM) là vật cản trong tiến trình triển khai Hệ thống Phòng thủ Tên lửa (NMD).
“Bảo vệ người dân Mỹ là ưu tiên tối thượng của tôi. Tôi không thể và sẽ không để nước mình phải chôn chân trong một hiệp ước ngăn cản việc triển khai hệ thống phòng thủ có hiệu quả”, ông Bush nói.
Tuy nhiên, một số nghị sĩ Đảng Dân chủ lại không nghĩ thế. “Theo tôi, quyết định đó sẽ làm hỏng quan hệ với đồng minh vốn đã rất lung lay. Đó là một điều đáng ngại thực sự nếu ta tính đến những cam kết sau này của Mỹ trong chiến lược quốc phòng”, lãnh đạo phe đa số trong thượng viện Tom Daschle khẳng định.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, Joseph Biden, cho rằng, quyết định của ông Bush là tiền đề mở đường cho những cuộc chạy đua vũ trang trong tương lai. Thủ tướng Nga Mikhail Kasyanov cũng có quan điểm tương tự: “Đó là quyết định sẽ phá vỡ cân bằng chiến lược toàn cầu”.
Mỹ và Liên Xô cùng đặt bút ký Hiệp ước ABM năm 1972. Điều khoản trong ABM cấm mọi hoạt động thử nghiệm và triển khai hệ thống phòng thủ kiểu NMD.
Bá Thuỳ (theo AP)