"Dựa trên sức mạnh của các bằng chứng hiện có, Huawei và ZTE chính là rủi ro an ninh đối với các mạng viễn thông hiện tại và mạng 5G của Mỹ trong tương lai", Chủ tịch FCC Ajit Pai cho biết trong một tuyên bố. "Cả hai đều đang có mối quan hệ chặt chẽ với chính phủ và bộ máy quân sự Trung Quốc. Họ đang buộc phải tuân thủ luật pháp Trung Quốc và hợp tác với tình báo nước này".
Với việc chỉ định Huawei và ZTE là mối đe dọa, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và công ty công nghệ Mỹ sẽ không thể sử dụng nguồn tiền trợ cấp của chính phủ thông qua Quỹ dịch vụ toàn cầu để mua các thiết bị hạ tầng của 2 hãng này.
Quỹ dịch vụ toàn cầu được thành lập năm 1997, là chương trình trợ cấp cho các công ty viễn thông mua thiết bị và dịch vụ để tối đa hóa các truy cập viễn thông trong nước. Quỹ thường được tài trợ 5 - 8 tỷ USD mỗi năm. Năm nay, FCC rót 8,3 tỷ USD mỗi năm cho quỹ này.
Thực tế, FCC đã bỏ phiếu nhất trí ngăn chặn các công ty viễn thông trong nước mua thiết bị mạng của Huawei và ZTE từ tháng 11 năm ngoái. Tuy nhiên, lệnh cấm mới nhất có hiệu lực từ 30/6.
Huawei và ZTE chưa bình luận. Trong quá khứ, cả hai nhiều lần phủ nhận là "mối đe dọa an ninh quốc gia" từ phía Mỹ.
Những năm qua, chính phủ Liên bang Mỹ nhiều lần cấm hai công ty viễn thông Trung Quốc vì lo ngại các hoạt động gián điệp dựa trên cơ sở hạ tầng mạng. Tháng 5 năm ngoái, Huawei cũng bị liệt vào Danh sách thực thể. Đầu tháng 3 năm nay, chính quyền Tổng thống Trump thông qua luật cấm các hãng viễn thông dùng giải pháp của Huawei ở vùng nông thôn. FCC hiện cũng thiết lập một chương trình hỗ trợ cho các công ty "nói không" với công ty Trung Quốc.
Bảo Lâm (theo The Verge)