"Mỹ kiên định với lập trường rằng bất kỳ luật hay quy định hàng hải quốc gia nào cũng không được vi phạm quyền tự do hàng hải, hàng không mà tất cả các nước được hưởng theo luật quốc tế", John Supple, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, hôm 1/9 nói về quy định hàng hải mới của Trung Quốc.
"Các tuyên bố chủ quyền biển phi pháp, trong đó có ở Biển Đông, đe dọa nghiêm trọng đến các quyền tự do trên biển, bao gồm quyền tự do hàng hải và hàng không, tự do thương mại và thương mại hợp pháp không bị cản trở, quyền và lợi ích của các nước ở Biển Đông cũng như các quốc gia ven biển khác", Supple nhấn mạnh.
Tuyên bố trên đưa ra hai ngày sau khi Bắc Kinh thông báo tàu thuyền nước ngoài đi vào cái gọi là vùng "lãnh hải" của Trung Quốc phải khai báo thông tin tàu thuyền và hàng hóa cho cơ quan hàng hải nước này. Một số chuyên gia Trung Quốc và quốc tế nhận định Trung Quốc có thể áp dụng luật này ở các khu vực như Biển Đông và biển Hoa Đông.
Yêu cầu khai báo của Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 1/9, được áp dụng với tàu lặn, tàu hạt nhân, tàu chở vật liệu phóng xạ, tàu chở dầu, hóa chất, khí đốt, các chất độc hại và những tàu được coi là mối đe dọa với an toàn giao thông hàng hải của nước này.
Hệ thống khai báo cho các tàu đã được Trung Quốc đưa vào Luật An toàn Giao thông Hàng hải sửa đổi hồi tháng 4. Giới chức Trung Quốc cho biết thêm các tàu sẽ phải thông báo tên, hô hiệu, vị trí và bất cứ loại "hàng hóa nguy hiểm" nào trên tàu. Nếu các tàu không khai báo theo yêu cầu, cơ quan quản lý hàng hải Trung Quốc sẽ áp dụng các điều luật, quy định, quy tắc và những điều khoản liên quan để xử lý.
Theo UNCLOS, tàu thuyền của tất cả các quốc gia đều được hưởng quyền đi qua vô hại trong lãnh hải mà không làm phương hại đến hòa bình, trật tự hay an ninh của quốc gia ven biển. Các quốc gia ven biển không được quyền cản trở việc đi qua không gây hại của tàu thuyền nước ngoài, không được phép yêu cầu tàu thuyền nước ngoài đi qua lãnh hải của mình phải xin phép hoặc thông báo trước.
Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố nhiều khu vực rộng lớn ở Biển Đông là "lãnh hải" của mình, bất chấp quy định của luật pháp quốc tế và phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực, bác bỏ yêu sách "đường 9 đoạn" nước này đơn phương vẽ ra trên Biển Đông.
Quốc gia này gần đây cũng thông qua luật hải cảnh mới, cho phép lực lượng này nổ súng vào tàu thuyền nước ngoài để "ngăn chặn mối đe dọa". Luật hải cảnh này được các chuyên gia ví như "bom hẹn giờ", có thể làm gia tăng căng thẳng ở khu vực.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price từ chối cho biết liệu chính phủ Trung Quốc có trao đổi trực tiếp với Mỹ về luật mới hay không. Tuy nhiên, ông khẳng định Mỹ đã nói rõ quan điểm với Bắc Kinh rằng yêu sách lãnh thổ quá mức của họ là bất hợp pháp.
"Chúng tôi không ngần ngại phản đối và đã cùng với các đối tác và đồng minh chống lại các yêu sách hàng hải bất hợp pháp, quá mức", Price nói. "Chúng tôi sẽ tiếp tục làm như thế".
Giới quan sát đang đặt câu hỏi liệu Bắc Kinh có đủ năng lực để thực thi quy tắc mà Mỹ và các quốc gia khác coi là bất hợp pháp hay không. Raul Pedrozo, giáo sư về luật xung đột vũ trang kiêm giáo sư luật quốc tế Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ, cảnh báo các động thái của Trung Quốc sẽ gây bất ổn trong khu vực.
"Trung Quốc đang thử phản ứng của cộng đồng quốc tế về luật mới", ông nói.
Hồng Hạnh (Theo SCMP)