Eric Schmidt, chủ tịch điều hành Google. Ảnh: Telegraph |
AP và WSJ đưa tin ông Schmidt dự kiến sang thăm Triều Tiên với một sứ mệnh nhân đạo, do cựu thống đốc bang New Mexico Bill Richardson dẫn đầu.
Triều Tiên cũng là nước có chính sách Internet hạn chế nhất thế giới. Người dân cần có sự cho phép của chính phủ khi muốn liên lạc với người nước ngoài trực tiếp, bằng điện thoại hoặc thông qua email. Chỉ một bộ phận rất nhỏ trong tầng lớp trí thức ở Triều Tiên được sử dụng Internet.
"Chúng tôi nhận thức rằng chuyến thăm của ông Schmidt là chuyến thăm mang tính chất cá nhân, vì thế chính phủ chúng tôi không đưa ra bình luận gì cụ thể", Cho Tai-Young, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho hay, thêm rằng Seoul "không hay biết về thời gian hay lý do ông Schmidt đến Bình Nhưỡng".
Google vẫn từ chối chính thức xác nhận về chuyến đi trên của chủ tịch điều hành.
Trong khi đó, Mỹ lên tiếng chỉ trích động thái này và nhấn mạnh rằng không có quan chức nào của chính phủ Mỹ tham gia trong chuyến đi.
"Thẳng thắn mà nói, chúng tôi không nghĩ rằng thời điểm của chuyến đi này là thích hợp sau những hành động gần đây của Bình Nhưỡng", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland nói, ngụ ý đến vụ phóng tên lửa của Triều Tiên tháng trước.
Theo bà Nuland, ông Schmidt và Richardson "nhận thức rõ" quan điểm của chính phủ Mỹ về Triều Tiên. "Họ sẽ sang Bình Nhưỡng với tư cách cá nhân và không mang theo thông điệp gì từ Washington cả", bà nói thêm.
Ông Richardson từng sang Triều Tiên một vài lần trong vòng 20 năm qua và tham gia đàm phàn về việc phóng thích các công dân Mỹ bị giam giữ ở nước này.
Lần gần nhất ông có mặt ở Bình Nhưỡng là năm 2010, khi ông có cuộc gặp với trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Triều Tiên trong một nỗ lực nhằm xoa dịu căng thẳng, sau khi nước này nã pháo sang đảo tiền tiêu Hàn Quốc.
Các thông tin về sứ mệnh nhân đạo nói trên nổi lên chỉ ít tuần sau khi Triều Tiên xác nhận đã bắt giữ một công dân Mỹ gốc Hàn. Ông này sẽ chính thức bị truy tố với những tội danh chống lại nhà nước.
Ông Richardson, cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, người thường giữ vai trò phái viên tới các nước không có quan hệ ngoại giao với Washington, sẽ cố gắng gặp các quan chức Triều Tiên và có thể cả công dân Mỹ đang bị bắt giữ, để thảo luận về vụ việc, các nguồn tin cho biết.
Trước đây, Bình Nhưỡng cũng từng nhất trí bàn giao những người bị giam giữ cho các phái đoàn cấp cao được dẫn dắt bởi những lãnh đạo như cựu tổng thống Bill Clinton.
Anh Ngọc