Chevrolet Corvette 1967 là chiếc xe ưa thích hàng đầu của tổng thống Biden, người dành tình cảm lớn cho những mẫu xe cơ bắp đặc trưng kiểu Mỹ. Nhưng mối quan tâm của ông bây giờ đang đổ dồn cho xe điện.
Kế hoạch cơ sở hạ tầng 2 nghìn tỷ USD được ông công bố hôm 31/3 vượt xa những cam kết thông thường về xây dựng. Trong số đó, ngân sách 174 tỷ USD để khuyến khích người dân chuyển sang sử dụng xe điện thay vì xăng, dầu truyền thống, một phần của chương trình chống biến đổi khí hậu. Dù chưa thể xem là chìa khóa để hướng nước Mỹ đến kỷ nguyên xe không phát thải, nhưng đây được xem là khoản đầu tư lớn để thúc đẩy sự phát triển nhanh hơn nhu cầu sử dụng xe điện ở quốc gia này.
Tăng trưởng nhanh trong những năm gần đây nhưng dung lượng xe mới bán ra và số xe lăn bánh trên đường của xe điện so với xe xăng, dầu chỉ lần lượt ở mức 2% và 1%. Doanh số chưa thể cất cánh vì phần lớn các mẫu xe điện đắt hơn xe chạy nhiên liệu truyền thống ở cùng phân khúc khoảng 10.000 USD. Chưa kể quá trình sạc điện cho xe còn nhiều bất tiện, đơn cử như thời gian sạc đầy pin lâu hơn so với việc đổ tràn một bình xăng.
Thông qua quỹ liên bang để cung cấp các khoản tín dụng thuế, giảm giá hoặc ưu đãi khác, ông Biden hy vọng có thể kéo giảm giá thành xe điện so với hiện nay. Mục tiêu của ông còn lắp đặt nửa triệu trạm sạc điện trên khắp nước Mỹ để giúp người dân tự tin hơn về việc sử dụng xe điện.
Câu chuyện "con gà và quả trứng" có thể được giải quyết nếu công nghệ tương lai được người dân đón nhận và biến thành nhu cầu thực tế, thu hút các hãng xe tham gia để hạ giá thành sản phẩm. Bản thân ông Biden cũng đang khuyến khích các hãng sản xuất xe điện và pin tại quốc gia này.
"Chúng ta đang ở một giai đoạn đặc biệt, nơi hầu hết các doanh nghiệp Mỹ hoặc chính quyền các bang đều nhìn về một hướng: tương lai không phát thải. Bên cạnh đó, một bước tiến lớn về cơ sở hạ tầng cũng đang diễn ra", Bob Perciasepe, chủ tịch trung tâm khí hậu và các giải pháp năng lượng, cho biết. "Khoản đầu tư này của ông Biden có thể không phải là chìa khóa giải quyết tất cả các vấn đề biến đổi khí hậu, hạ tầng quốc gia nhưng ít ra, nó là một cú hích lớn".
Để bước vào kỷ nguyên xe điện, chính sách và những hỗ trợ của chính phủ là chưa đủ. Thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân là điều khó nhất. Làm thế nào để thuyết phục họ về những lợi ích xe điện mang lại khi mặt bằng chung về giá vẫn còn cao hơn xe nhiên liệu xăng, dầu. Khi đó, ưu điểm ít yêu cầu bảo dưỡng hơn, chẳng hạn không cần thay dầu động cơ, hay chi phí sử dụng điện mỗi km lăn bánh rẻ hơn chạy xăng, chưa đủ hấp dẫn người dùng.
Pin là một trong những thứ quan trọng bậc nhất đối với xe điện, có thể chiếm giá trị 15.000 USD trên một mẫu sedan cỡ trung. Con số này đã và sẽ tiếp tục giảm nhờ những cải tiến sản xuất và tiến bộ trong kỹ thuật chế tạo. Nhưng các chuyên gia tin rằng, vẫn cần một công nghệ mang tính đột phá để giúp xe điện tiến gần đến mục tiêu đại chúng.
"Có vẻ là một tín hiệu tốt ở ít nhất 5 năm tới, giá pin xe điện sẽ tiếp tục giảm nhưng sau đó, nó chững lại hay giảm tiếp", giáo sư Joshua Linn tại đại học Maryland, thành viên cấp cao của tổ chức Các nguồn lực tương lai, đánh giá. "Yêu cầu về giá thôi chưa đủ, vẫn cần dành mối quan tâm lớn cho cơ sở hạ tầng".
Chính phủ liên bang lẫn các bang ở Mỹ vốn đã đưa ra các khoản ưu đãi trợ giá lẫn tín dụng thuế cho các giao dịch xe điện. Tuy nhiên, khoản hỗ trợ tín dụng thuế 7.500 USD cho người dân khi mua xe điện mới đã không còn khi một hãng chạm mốc doanh số 200.000 xe. Người mua xe Tesla, General Motors không còn đủ điều kiện để nhận được hỗ trợ này, nhưng với Ford và Volkswagen thì ngược lại.
Một mối bận tâm khác là sạc điện cho xe. "Có 3 lý do chính khiến người tiêu dùng chưa quyết định mua xe điện là thiếu trạm sạc, thời gian sạc chưa tối ưu và chi phí sở hữu", Sam Abuelsamid, nhà phân tích ở công ty tư vấn Guidehouse Insights, nhận định. "Đó là những yếu tố quan trọng nhất và cần có giải pháp cụ thể".
Mỹ hiện có khoảng hơn 100.000 trạm xăng. Với xe điện, kế hoạch của ông Biden trong 10 năm tới là tạo ra một mạng lưới 500.000 trạm sạc điện, tăng từ mức 41.000 trạm sạc ở thời điểm hiện tại. Nhưng dù có nhiều ưu đãi cho các hãng sản xuất, mạng lưới trạm sạc rộng lớn, người dân chấp nhận sử dụng, việc chuyển đổi hoàn toàn sang sử dụng xe điện có thể cần đến vài thập kỷ.
Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ xe điện mới nhiều nhất thế giới tính theo quốc gia. Nước này cũng đi trước Mỹ ở quy mô lắp đặt hệ thống trạm sạc. "Rõ ràng đó là một trong cách thức để Trung Quốc biến mình thành quốc gia dẫn đầu về xe điện ở hầu hết các khía cạnh", John Paul MacDuffie, giáo sư quản lý của trường Wharton School, đại học Pennsylvania, đánh giá.
Phạm Trung (theo New York Times)