Văn phòng Chương trình Hệ thống B-52H Stratofortress (SPO) tại căn cứ không quân Wright Patterson, bang Ohio đồng ý chi số tiền này cho trung tá Warren Carroll và thiếu tá Brandon Wolf để chế tạo nguyên mẫu bộ đèn chiếu sáng kết hợp cổng USB cho oanh tạc cơ B-52, với giá khoảng 2.800 USD mỗi bộ.
Ý tưởng về bộ đèn kiêm cổng sạc USB này của Carroll và Wolf đã giành giải thưởng cải tiến sáng tạo của không quân Mỹ hồi tháng 6. Theo đề xuất của họ, buồng lái oanh tạc cơ B-52H sẽ được lắp ba bộ thiết bị để các phi công xem bản đồ và sạc máy tính bảng của họ.
"Chúng tôi mang theo máy tính bảng trong các lần bay, liên tục so sánh thông số trên đó với danh sách kiểm tra, yêu cầu kỹ thuật, dữ liệu hạ cánh và thông tin hiệu suất khác", trung tá phi công Carroll cho biết. "Tuy nhiên, pin của máy tính bảng chỉ dùng được vài giờ".

Đèn đọc bản đồ tích hợp cổng USB sạc máy tính bản trên oanh tạc cơ B-52. Ảnh: USAF.
Không quân Mỹ cho biết giải quyết thời lượng pin ngắn của máy tính bảng do phi hành đoàn B-52 sử dụng "là trách nhiệm vì thiết bị đó chứa thông tin quan trọng cho thành công nhiệm vụ". Các phi công B-52 thường mang theo pin dự phòng dung lượng cao để sạc máy tính bảng trong những nhiệm vụ kéo dài.
Tuy nhiên, pin dự phòng có nguy cơ cháy nổ cao, với một số sự cố từng xảy ra trên máy bay thương mại của Mỹ khiến hãng sản xuất và cơ quan chính phủ nước này phải tìm biện pháp đối phó. Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) năm 2017 cấm hành khách ký gửi pin dự phòng lithium-ion hoặc thuốc lá điện tử sử dụng loại pin này.

Oanh tạc cơ B-52 bay phía dưới máy bay tiếp liệu KC-135 ngày 26/2. Ảnh: USAF.
"Khi lắp cổng USB cho B-52, chúng tôi giảm đáng kể nguy cơ hỏa hoạn có thể làm hư hại máy bay", trung tá Carroll cho biết. Kỹ sư Kenneth Pistone thuộc SPO cho biết bộ đèn và cổng USB có thể xuất xưởng sau 6-9 tháng nữa.
B-52 là một trong bộ ba oanh tạc cơ chiến lược tầm xa của Mỹ, chúng thường thực hiện nhiệm vụ dài ngày để hỗ trợ tác chiến hoặc tham gia các hoạt động huấn luyện hay thử nghiệm khác. Chiếc B-52 cuối cùng được xuất xưởng năm 1962, trước thời điểm ra đời của cáp và đầu nối USB 34 năm.
Nguyễn Tiến (Theo Drive)