Quyết định được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đưa ra ngày 29/11, thuốc có tên Toripalimab, thuộc nhóm chất ức chế PD-1 được sử dụng để điều trị ung thư biểu mô vòm họng giai đoạn muộn (NPC). Thuốc hoạt động bằng cách ngăn chặn thụ thể PD-1 trên tế bào khối u, giúp nâng cao khả năng tấn công và tiêu diệt tế bào khối u.
Bệnh nhân ung thư sẽ được truyền tĩnh mạch trong 30 đến 60 phút tại bệnh viện khoảng hai hoặc ba lần một tuần, tùy theo chỉ định của bác sĩ. Đối với người bệnh mắc ung thư biểu mô vòng họng di căn hoặc tái phát, đang được điều trị song song cisplatin và gemcitabine, liều dùng kết hợp Toripalimab là 240 mg mỗi ba tuần.
Các tác dụng phụ phổ biến của thuốc là mệt mỏi, suy giáp và đau cơ xương khớp, xảy ra ở khoảng 20% số bệnh nhân. Những phản ứng không mong muốn khi sử dụng chung với cisplatin và gemcitabine là buồn nôn, nôn, chán ăn, táo bón, phát ban, sốt, tiêu chảy, bệnh thần kinh ngoại biên, ho, đau cơ và khó ngủ.
Tại Mỹ, thuốc được bán với giá 8.800 USD một lọ, tức là cao hơn 30 lần so với giá 2.000 nhân dân tệ (280 USD) ở Trung Quốc. Hai loại thuốc trị ung thư khác của Trung Quốc cũng sẽ có mức giá tương tự ở thị trường Mỹ. Dù vậy, mức giá này vẫn thấp hơn đáng kể so với nhóm thuốc ung thư cùng loại được bán ở Mỹ. Nguyên nhân là ở Trung Quốc, giá thuốc dựa trên hệ thống đăng ký bảo hiểm y tế, thay vì giá bán buôn.
Theo Cục Quản lý Bảo hiểm Y tế Quốc gia, cuối năm ngoái, 95% người Trung Quốc đã tham gia hệ thống bảo hiểm cơ bản, tức là gần như phổ cập.
Tháng này, Mỹ cũng chấp thuận thêm hai loại thuốc điều trị ung thư khác do Trung Quốc sản xuất, là Fruquintinib và Efbemalenograstim alfa.
Fruquintinib do công ty dược phẩm HutchMed phát triển, được phê duyệt vào ngày 9/11, điều trị bệnh ung thư đại tràng di căn ở người trưởng thành, từng dùng các thuốc khác trước đó. Efbemalenograstim alfa của hãng dược Evive Biotech, được chấp thuận ngày 16/11 để điều trị tình trạng giảm bạch cầu do hóa trị.
Thục Linh (Theo FDA)