"Quan hệ của chúng tôi với Bắc Kinh có tính cạnh tranh trong một số trường hợp, lúc khác lại hợp tác và có khi đối lập. Tuy nhiên, tương tự nhiều đồng minh khác, điểm chung là cần giành lợi thế khi đối đầu với Trung Quốc, bắt đầu bằng những liên minh và hợp tác vững chắc", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết trong bài phỏng vấn hôm 30/3.
Blinken cam kết Mỹ sẽ không buộc các đồng minh phải "lựa chọn" giữa Washington và Bắc Kinh, đồng thời chỉ ra mục tiêu của họ không phải kiềm chế Trung Quốc mà là "duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật pháp", phù hợp với lợi ích và giá trị của các bên.
"Khi ai đó thách thức hệ thống này, dù là Trung Quốc hay nước khác, khi họ không tuân thủ hoặc tôn trọng các quy tắc, hoặc cố gắng làm suy yếu những cam kết đã được thiết lập, tất cả chúng ta đều có lý do để phản đối", Blinken cho hay, đồng thời cáo buộc Bắc Kinh "làm suy yếu trật tự này, vi phạm nhân quyền và các cam kết khác".
Trong chuyến thăm châu Âu tuần trước, Blinken cho biết Mỹ muốn hợp tác với các đồng minh về "cách thúc đẩy những lợi ích kinh tế chung, chống lại một số hành vi gây hấn và ép buộc của Trung Quốc".
Quan hệ giữa Trung Quốc và phương Tây đang ở mức thấp chưa từng có trong vòng nhiều thập kỷ, với các biện pháp trừng phạt ăn miếng trả miếng liên quan tới cáo buộc Bắc Kinh vi phạm nhân quyền đối với người Hồi giáo thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Trung Quốc đã phủ nhận toàn bộ cáo buộc.
Đây là một phần của cuộc xung đột rộng lớn hơn và ngày càng leo thang về kinh tế, quân sự và địa chính trị giữa Trung Quốc với Mỹ và các đồng minh. Các vấn đề gây căng thẳng bao gồm thương mại, công nghệ, Đài Loan, Hong Kong hay Biển Đông.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 25/3 tuyên bố sẽ ngăn Trung Quốc vượt Mỹ để trở thành quốc gia mạnh nhất thế giới. Tuy nhiên, đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải sau đó phản bác mục tiêu của Bắc Kinh không phải là "soán ngôi" Washington, mà là "đáp ứng nguồn cảm hứng ngày càng tăng của người dân Trung Quốc về cuộc sống tốt đẹp hơn".
Ánh Ngọc (Theo Sputnik)