"Video có thể có những diễn viên giả vờ khóc lóc cho những người thiệt mạng trong sự kiện mà Nga tự dàn dựng. Hình ảnh thi thể cũng có thể được chiếu để giả làm những người bị giết", Jonathan Finer, phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, nói ngày 3/2.
"Việc dàn dựng video tuyên truyền là một trong số các lựa chọn mà chính phủ Nga đang phát triển để lấy cớ cho hành động xâm lược quân sự chống lại Ukraine", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói. "Chúng tôi không biết liệu Nga có nhất thiết sử dụng phương án này hay phương án khác trong những ngày tới hay không".
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov bác bỏ cáo buộc, nói rằng những cáo buộc tương tự từng được đưa ra nhưng cuối cùng không thành sự thật.
Một ngày trước đó, Moskva chỉ trích động thái điều gần 3.000 quân đến Đông Âu của Washington là "bước đi phá hoại", giữa lúc hai bên căng thẳng cao độ vì Ukraine.
Nga nhiều lần bác bỏ cáo buộc cố tình tạo ra cuộc xung đột, thêm rằng họ không lên kế hoạch tấn công nhưng có thể hành động quân sự nếu các yêu cầu an ninh không được đáp ứng.
"Rõ ràng đây không phải là những bước đi nhằm giảm căng thẳng, mà ngược lại chúng đang khiến căng thẳng ngày càng leo thang", Peskov nói. "Chúng tôi kêu gọi đối tác Mỹ ngừng làm trầm trọng thêm căng thẳng ở châu Âu. Nhưng thật tiếc là người Mỹ vẫn tiếp tục làm vậy".
Tổng thống Vladimir Putin hôm 1/2 cáo buộc phương Tây phớt lờ những lo ngại an ninh của Nga và sử dụng Ukraine như công cụ để kiềm chế Nga. Ông cho rằng Mỹ đang cố đẩy Nga vào xung đột để kiếm cớ trừng phạt, nhưng bày tỏ hy vọng có thể tìm ra giải pháp chấm dứt căng thẳng đang gia tăng.
Washington và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng bày tỏ sẵn sàng thảo luận về các biện pháp kiểm soát vũ khí và xây dựng niềm tin giữa các bên.
Thanh Tâm (Theo Reuters)