Cơ quan An ninh Cơ sở Hạ tầng và An ninh mạng thuộc Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) hôm 20/5 cảnh báo loại máy bay không người lái (UAV) do Trung Quốc sản xuất "tiềm ẩn nguy cơ với thông tin của một tổ chức". Những sản phẩm này "chứa thành phần có thể gây tổn thất dữ liệu và chia sẻ thông tin của người dùng tới máy chủ của công ty sản xuất".
Báo cáo không nêu tên của bất kỳ nhà sản xuất nào, nhưng gần 80% UAV ở Mỹ và Canada do DJI, công ty có trụ sở tại Thâm Quyến, Trung Quốc, sản xuất. Nhiều tổ chức thực thi pháp luật và khai thác cơ sở hạ tầng địa phương đã phát triển dựa vào máy bay không người lái trong những năm gần đây.
"Chính phủ Mỹ quan ngại sâu sắc về bất kỳ sản phẩm công nghệ nào truyền dữ liệu của nước Mỹ tới lãnh thổ của một quốc gia khác mà chính quyền cho phép cơ quan tình báo truy cập không giới hạn vào dữ liệu đó hoặc lạm dụng quyền truy cập đó", DHS thông báo.
"Chúng tôi có những lo ngại tương tự với thiết bị do Trung Quốc sản xuất, có khả năng thu thập và chuyển dữ liệu của các nhà khai thác, các cá nhân và đơn vị đang vận hành sản phẩm, vì Trung Quốc nghiêm khắc yêu cầu công dân hỗ trợ hoạt động tình báo quốc gia".
Cảnh báo của DHS dựa theo lệnh hành pháp mà Tổng thống Mỹ Donald Trump ký tuần trước, cấm các công ty Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông do Huawei sản xuất do lo ngại về vấn đề gián điệp và an ninh quốc gia.
Mỹ và Trung Quốc đang giằng co trong cuộc chiến thương mại khiến quan hệ hai nước xấu đi trong những tuần gần đây. Trước đó, giới chức Mỹ từng quan ngại các sản phẩm UAV Trung Quốc gây ảnh hưởng tới an ninh quốc gia. Năm 2017, quân đội Mỹ cấm sử dụng máy bay do DJI sản xuất với cáo buộc công ty này chia sẻ dữ liệu cơ sở hạ tầng quan trọng và dữ liệu thực thi pháp luật với chính phủ Trung Quốc.
Cùng năm đó, theo một báo cáo nội bộ của phòng tình báo thuộc Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan ở Los Angeles, DJI đã "nhắm mục tiêu có chọn lọc vào chính quyền và các cơ sở hạ tầng và cơ quan thực thi pháp luật Mỹ để mở rộng năng lực thu thập và khai thác dữ liệu nhạy cảm của Mỹ".
Người dùng được cảnh báo "thận trọng khi mua" máy bay không người lái từ Trung Quốc và nên thực hiện các bước phòng ngừa như tắt kết nối Internet của thiết bị và xóa thẻ kỹ thuật số. Họ cũng được cảnh báo "nên am hiểu cách vận hành đúng đắn và hạn chế quyền truy cập vào thiết bị" để tránh bị "ăn cắp thông tin".
"Các tổ chức thực thi những hoạt động ảnh hưởng tới an ninh quốc gia hoặc các cơ quan quan trọng của quốc gia phải đặc biệt thận trọng vì có nguy cơ bị do thám và đánh cắp thông tin cao hơn", trích cảnh báo.
Tuy nhiên, DJI cho hay công ty trao khách hàng "quyền kiểm soát đầy đủ cách thức dữ liệu được thu thập, lưu trữ và truyền đi", nói thêm "khách hàng có thể kích hoạt mọi biện pháp phòng ngừa mà DHS khuyến cáo".
DJI có doanh thu 2,7 tỷ USD năm 2017, nổi tiếng với dòng máy bay không người lái Phantom. Nó ra mắt năm 2013, là dòng máy bay không người lái thương mại bán chạy nhất thị trường.
Skylogic Research, một nhà phân tích ngành công nghiệp máy bay không người lái cho biết theo báo cáo thị trường năm 2018, 79% máy bay không người lái ở Mỹ và Canada, cũng như 74% UAV trên toàn cầu do DJI sản xuất.
Các chuyên gia trong ngành cho biết phần mềm dễ sử dụng, kết hợp với camera rõ nét và công nghệ tiên tiến khiến sản phẩm của DJI được ưa chuộng tại Mỹ cũng như được các tổ chức chuyên nghiệp ưu tiên sử dụng.
"Rất nhiều công ty phát hiện lợi ích của việc sử dụng máy bay không người lái để kiểm tra mái nhà hoặc cơ sở công nghiệp", Kay Wack Witz, CEO của Drone Industry Insight, công ty tư vấn nghiên cứu thị trường tập trung vào mảng máy bay không người lái thương mại, cho biết.
Nhiều cơ quan từ cảnh sát địa phương tới Bộ Nội vụ đã sử dụng máy bay không người lái cho những công việc nhạy cảm. Theo bản ghi nhớ ICE năm 2017, các nhà thầu đã sử dụng máy bay DJI để hỗ trợ an ninh trong quá trình thi công một cơ sở phòng thủ sinh học của DHS ở Kansas.
Hồng Hạnh (Theo CNN)