Tòa án Trọng tài Thường trực ở The Hague dự kiến trong vài tuần tới ra phán quyết về vụ Philippines kiện yêu sách "đường 9 đoạn" mà Bắc Kinh đơn phương đưa ra, chiếm gần như toàn bộ Biển Đông. Phán quyết này được dự đoán là sẽ có lợi cho Philippines và có thể làm tăng căng thẳng trong khu vực, bởi vì Trung Quốc, mặc dù đã ký kết Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển, cho rằng tòa không có thẩm quyền xử vụ kiện này và từ chối tham gia.
Theo Reuters, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken hôm qua nói với hạ viện rằng Trung Quốc "không thể có cả hai", tức là vừa là nước thành viên của Công ước mà lại không tuân theo quy định, trong đó có việc "tuân thủ bất kỳ quyết định nào từ trọng tài quốc tế".
"Trung Quốc cần phải quyết định. Nếu họ định phớt lờ phán quyết, họ có nguy cơ gây tổn hại nặng nề đến uy tín của chính mình, khiến các nước trong khu vực xa lánh và thôi thúc các nước này gần gũi hơn với Mỹ", ông nói.
Washington đã liên tục vận động để thuyết phục các nước đồng ý rằng, phán quyết của tòa trọng tài, dự kiến đến vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6, phải được tuân thủ. Thực tế, Tòa Trọng tài Thường trực không có quyền cưỡng chế, bắt các nước phải thực thi phán quyết, và phán quyết của tòa từng bị bỏ qua trong quá khứ.
Ông Blinken nói rằng Mỹ đã nỗ lực thúc đẩy Hiệp hội 10 quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thành một tổ chức có sức mạnh lớn khi đối mặt với các vấn đề phức tạp như Biển Đông.
Ông nhắc đến hội nghị thượng đỉnh hồi tháng hai mà Tổng thống Mỹ Barack Obama và các nhà lãnh đạo ASEAN nhất trí rằng, các tranh chấp nên được giải quyết hòa bình và thông qua các phương pháp hợp pháp.
"Chúng tôi mong đợi rằng ASEAN, giống như họ đã làm tại hội nghị thượng đỉnh đó, sẽ bày tỏ sự ủng hộ đối với những nguyên tắc cơ bản, và chúng tôi muốn thấy điều đó xảy ra khi tòa trọng tài ra phán quyết", ông Blinken nói.
Trung Quốc cuối tuần qua nói rằng họ đạt được thỏa thuận với ba nước Brunei, Campuchia và Lào, cho rằng tranh chấp trên Biển Đông "không phải là vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN, không nên để nó ảnh hưởng tới quan hệ Trung Quốc - ASEAN". Tuy nhiên, Campuchia bác bỏ thông tin này, nói rằng "không có thỏa thuận hay các cuộc thảo luận nào".
Xem thêm:
Ý đồ của Trung Quốc khi thỏa thuận riêng về Biển Đông với 3 nước ASEAN
Điểm yếu trong thỏa thuận Biển Đông riêng với ba nước của Trung Quốc
Phương Vũ