"Nếu ông Putin thành công ở Ukraine, ông ấy sẽ không dừng lại và sẽ tiếp tục có hành động quyết liệt hơn trong khu vực", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói ngày 29/2, đề cập Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tuyên bố được ông Austin đưa ra khi được hỏi về tình hình tại Ukraine trong phiên điều trần tại Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ. Ông cho rằng ba quốc gia vùng Baltic, gồm Latvia, Litva và Estonia, rất dễ bị tổn thương trong kịch bản Nga giành chiến thắng ở Ukraine.
"Nếu bạn là các nước vùng Baltic, bạn sẽ thật sự lo lắng về việc mình có phải là mục tiêu kế tiếp hay không", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói. "Thành thật mà nói, nếu Ukraine thất trận, tôi thật sự tin rằng NATO sẽ rơi vào cuộc chiến với Nga".
Ba nước vùng Baltic đều là thành viên NATO. Điều 5 Hiến chương của NATO quy định bất cứ cuộc tấn công nào nhằm vào một thành viên của khối cũng được coi là đòn tấn công nhằm vào cả liên minh và NATO sẽ phối hợp đáp trả.
Phản ứng trước phát biểu của ông Austin, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đặt nghi vấn rằng đây có phải là hành động "đe dọa trực tiếp" của Washington hay không.
"Đây là lời đe dọa trực tiếp với Nga hay là nỗ lực nhằm biện hộ cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky? Giờ đây mọi người có thể thấy rõ Washington mới là bên gây hấn", bà Zakharova viết trên Telegram.
Căng thẳng Nga - NATO leo thang sau khi Moskva mở chiến dịch ở Ukraine hồi cuối tháng 2/2022. Tổng thống Putin cho biết một trong các nguyên nhân khiến ông phát động chiến dịch là do lo ngại về đà mở rộng của NATO về phía đông.
Mặc dù vậy, liên minh này vẫn tiếp tục kết nạp thêm thành viên sau khi xung đột tại Ukraine bùng phát. Phần Lan tháng 4/2023 gia nhập NATO, kết thúc hàng thập kỷ duy trì chính sách không liên kết về quân sự. Thụy Điển nhiều khả năng cũng sớm trở thành thành viên của khối.
Trong Thông điệp Liên bang ngày 29/2, Tổng thống Putin cho biết Nga có kế hoạch tăng cường lực lượng vũ trang ở phía tây đất nước, nhằm "vô hiệu hóa" các mối đe dọa từ việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO. Ông đồng thời cảnh báo về khả năng xảy ra chiến hạt nhân nếu NATO đưa quân tới Ukraine.
Một số nước NATO giáp với Nga gần đây cũng tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực biên giới, do lo ngại nguy cơ xung đột tại Ukraine có thể lan sang các quốc gia này.
Phạm Giang (Theo Newsweek, Reuters, AFP)