"Các quốc gia châu Phi có thể mua sản phẩm nông nghiệp từ Nga, trong đó có phân bón và lúa mì", đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield nói trong cuộc gặp với Tổng thống Uganda Yoweri Museveni ở thủ đô Kampala. "Tuy nhiên, nếu giao dịch các mặt hàng bị trừng phạt của Nga, họ đang vi phạm lệnh cấm vận".
Bà Thomas-Greenfield cảnh báo các nước châu Phi không vi phạm lệnh trừng phạt phương Tây áp đặt với Nga và nhập các sản phẩm như dầu mỏ, bởi họ có thể "đối mặt với nguy cơ hứng chịu các biện pháp đáp trả" từ Mỹ và đồng minh.
Trong cuộc gặp, đại sứ Mỹ cũng nhấn mạnh các lệnh trừng phạt Washington áp lên Moskva không phải nguyên nhân làm tăng giá lương thực ở châu Phi và các nơi khác, đồng thời bày tỏ mong muốn tăng cường các mối quan hệ đối tác hiện có ở châu lục này.
Uganda là điểm dừng chân đầu tiên của bà Thomas-Greenfield trong chuyến công du châu Phi. Đây là một trong 25 quốc gia châu Phi đã bỏ phiếu trắng trong nghị quyết của Đại hội đồng LHQ lên án chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.
Ukraine và Nga sản xuất 30% nguồn cung lúa mì toàn cầu, cùng với các nông sản quan trọng khác như lúa mạch, ngô và dầu hướng dương, song nguồn cung ra thị trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng do các lệnh cấm vận và tình trạng phong tỏa tại Biển Đen. Nhiều quốc gia châu Phi phụ thuộc nhiều vào nguồn ngũ cốc này và đang đứng trước nguy cơ hứng chịu nạn đói.
Theo dữ liệu của Refinitiv Eikon hồi tháng 6, các công ty dầu mỏ Nga đang tăng cường cung cấp xăng và naphtha (một hỗn hợp hydrocarbon lỏng dễ cháy, có thành phần là các sản phẩm chưng cất dầu mỏ) cho châu Phi và Trung Đông.
Nigeria và Morocco là những điểm đến chính ở châu Phi của hai mặt hàng này, với nguồn cung khoảng 200.000 tấn trong nửa đầu năm 2022. Các đơn hàng khác cũng hướng tới Senegal, Sudan, Bờ Biển Ngà và Togo.
Đức Trung (Theo AP, Reuters)