Ngày 21/6, Reuters dẫn lời Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo: "Moscow đã cho thấy họ có khả năng và dự định khai thác các công ty Nga như Kaspersky để thu thập, vũ khí hóa thông tin cá nhân người Mỹ. Đó là lý do chúng tôi phải công bố kế hoạch cấm Kaspersky bán phần mềm diệt virus tại Mỹ".
Trong khi đó, The Guardian dẫn nguồn tin cho biết quyết định được đưa ra sau cuộc điều tra kéo dài cho thấy hoạt động của Kaspersky tại Mỹ gây ra rủi ro an ninh quốc gia, có thể dẫn đến các cuộc tấn công vào mạng của chính phủ.
Trong khi đó, đại diện Kaspersky nói với AFP rằng Bộ Thương mại Mỹ "đã đưa ra quyết định dựa trên môi trường địa chính trị hiện tại và những lo ngại về mặt lý thuyết". Công ty tuyên bố sẽ "theo đuổi pháp lý bằng mọi cách" để có thể tiếp tục hoạt động.
"Kaspersky không tham gia vào hoạt động đe dọa an ninh quốc gia Mỹ. Trên thực tế, chúng tôi đã có những đóng góp đáng kể trong việc báo cáo, bảo vệ Mỹ và các đồng minh khỏi nhiều tác nhân đe dọa", đại diện công ty nói.
Theo hồ sơ của Bộ Thương mại Mỹ, Kaspersky đặt trụ sở chính tại Moscow (Nga) và có văn phòng tại 31 quốc gia trên thế giới, phục vụ hơn 400 triệu người dùng toàn cầu, 270.000 khách hàng doanh nghiệp tại hơn 200 quốc gia.
Bộ Thương mại cho biết lệnh không cấm người Mỹ dùng dịch vụ của Kaspersky nhưng "đặc biệt khuyến khích" chuyển sang bên cung cấp khác. Để giảm thiểu rủi ro cho người dùng, Kaspersky được tiếp tục một số hoạt động nhất định, trong đó có các bản cập nhật phần mềm cho đến ngày 29/9.
Trước đó, ngày 25/3/2022, Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) đưa Kaspersky vào danh sách các công ty có thể gây "đe dọa an ninh quốc gia Mỹ". Reuters nhận định động thái mới cho thấy chính quyền Joe Biden đang cố gắng hạn chế rủi ro về nguy cơ tấn công mạng có thể xuất phát từ phần mềm diệt virus của Kaspersky.
Khương Nha