Đồng đôla Mỹ trở về từ châu Á đang chịu chung số phận với các hành khách về Mỹ từ Trung Quốc hoặc các điểm nóng Covid-19 khác trên thế giới. Người phát ngôn của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hôm qua (6/3) cho biết trên Reuters rằng từ ngày 21/2, các chi nhánh của Fed trên toàn nước Mỹ đã để riêng số đôla từ châu Á trong 7 – 10 ngày. Sau đó, họ mới xử lý và đưa chúng trở lại lưu thông qua các tổ chức tài chính.
Cơ quan Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết virus "có thể" lây truyền qua các vật thể có tiếp xúc trực tiếp. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng từng cảnh báo rủi ro gây ra bởi tiền giấy. Họ khuyên người tiêu dùng thanh toán điện tử bất kỳ lúc nào có thể.
Đôla Mỹ là đồng tiền dự trữ trên toàn cầu và được sử dụng phổ biến với 1.750 tỷ USD tiền mặt hiện lưu thông trên toàn thế giới, Fed cho biết. Hầu hết số tiền này ở nước ngoài, đặc biệt tại châu Á, do đôla Mỹ thường mạnh hơn nội tệ.
Dù vậy, việc này cũng khiến đôla Mỹ có nhiều vi khuẩn. Một nghiên cứu năm 2014 của Đại học New York cho thấy đôla Mỹ có chứa tới 3.000 loại vi khuẩn khác nhau, do được sử dụng rộng rãi và qua tay nhiều người.
Fed hiện vẫn chưa mạnh tay bằng các nước như Trung Quốc hay Hàn Quốc. Các nước này đã yêu cầu khử khuẩn nội tệ bằng tia cực tím, hoặc thậm chí tiêu hủy. Quan chức Fed vẫn đang phối hợp với CDC và Bộ Ngoại giao Mỹ để kiểm soát vấn đề dịch bệnh và bổ sung nhiều khu vực vào danh sách cách ly.
12 chi nhánh của Fed trên toàn nước Mỹ chịu trách nhiệm quản lý nguồn cung tiền giấy và xu đôla. Họ cũng nhận tiền mặt dư từ các ngân hàng trên toàn cầu và phân phát cho các tổ chức có yêu cầu. Một số ngân hàng nước ngoài chuyển đôla sang Mỹ bằng máy bay.
Fed sau đó sẽ xử lý chỗ tiền nhận được, như loại bỏ tiền đã hư hỏng nặng hay tiền giả. Việc này mất khoảng 5 – 60 ngày. Các tờ tiền mệnh giá cao sẽ được xử lý nhanh nhất, Fed San Francisco cho biết trên website. Tính trung bình, Fed đưa ra thị trường khoảng 34 tỷ USD tiền giấy mỗi năm.
Hà Thu (theo Reuters)