Số vaccine này được sản xuất tại nhà máy Emergent BioSciences ở Baltimore. Nhà máy đã để lô nguyên liệu dùng bào chế vaccine J&J lẫn với thành phần sản xuất vaccine AstraZeneca.
Sau cuộc điều tra từ ngày 12/4 đến ngày 2/4, FDA phát hiện nhà máy này không đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh, tường tróc sơn, sàn nhà và tường bị mốc đen. Nhà máy Emergent quá nhỏ, không phù hợp để khử trùng toàn bộ. Các nhân viên cũng không tuân thủ quy trình đảm bảo chất lượng nguyên liệu. Camera an ninh ghi nhận một số nhân viên mang túi chất thải y tế không được bọc kín đi quanh nhà máy. Những chiếc túi này chạm vào các nguyên liệu dùng để sản xuất vaccine.
Tất cả vaccine tại Emergent chưa được phân phối vì không có giấy phép. Nhà máy đã phải ngừng hoạt động vào tháng 4 theo yêu cầu của FDA. Vaccine J&J được sử dụng ở Mỹ đến nay do một cơ sở tại Hà Lan sản xuất.
Vaccine J&J được bào chế bằng công nghệ vector virus. Các nhà khoa học sử dụng virus cảm lạnh vô hại (adenovirus 26) đưa protein của nCoV vào tế bào người, giúp kích thích phản ứng của hệ miễn dịch. Từ đó, hệ miễn dịch sẽ nhận biết mầm bệnh, sản sinh kháng thể hoặc tế bào T để tự bảo vệ.
Vaccine J&J từng được coi là yếu tố lật ngược thế cờ của Mỹ vì cơ chế tiêm một liều vượt trội, tiện lợi và dễ bảo quản. Song chính phủ cho biết nhờ nguồn cung dồi dào từ Pfizer-BioNTech và Moderna, nước này không cần quá nhiều vaccine J&J nữa.
Tuy nhiên, việc phải hủy 60 triệu liều vaccine tạo ra vết nứt trong kế hoạch chia sẻ nguồn cung đến các nước khác của chính quyền Joe Biden. Mỹ dự định phân phối cả vaccine J&J và AstraZeneca, bên cạnh Pfizer và Moderna, song phải trì hoãn kế hoạch trong khi FDA hoàn thành thanh tra cơ sở sản xuất.
Sau cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo G7 vào tuần này, ông Biden cho biết sẽ mua 500 triệu liều vaccine Pfizer để quyên góp cho các nước thu nhập thấp, trung bình trong năm tới.
Thục Linh (Theo NY Times)