Bộ Tài chính Mỹ cho hay đã chuẩn bị rót vào mỗi hãng khoảng 100 tỷ USD thông qua việc mua cổ phiếu ưu đãi để giữ cho các công ty này không bị phá sản. Kho bạc Mỹ sẽ lập tức phát hành 1 tỷ USD giá trị cổ phiếu từ mỗi công ty, và trả 10% lãi suất.
Hai hãng cho vay thế chấp này hiện bảo lãnh cho số bất động sản trị giá 5.000 tỷ USD trên khắp nước Mỹ, chiếm 50% thị trường nước này. Từ năm ngoái đến nay, 2 đại gia đã để mất 14 tỷ USD và con số thua lỗ có thể còn tăng thêm hàng tỷ USD cho đến khi thị trường nhà đất Mỹ bắt đầu hồi phục.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson, người sẽ diều hành kế hoạch cứu vãn thị trường nhà đất và tín dụng thông qua Fannie Mae và Freddie Mac. Ảnh: AP |
Dự kiến sau động thái cứu vãn này, Chính phủ Mỹ sẽ nắm giữ gần 80% cổ phần tại mỗi công ty, và sẽ tiếp tục mua các khoản nợ của 2 hãng.
Động thái được đánh giá là "lịch sử" này của Chính phủ Mỹ giành được sự ủng hộ của cả 2 ứng viên tổng thống của 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa là ông Barack Obama và John McCain.
Tuy nhiên, các nhà phân tích độc lập cho rằng, số tiền mà Chính phủ Mỹ dành cho kế hoạch này vẫn là chưa đủ để lập lại ổn định cho thị trường nhà đất ốm yếu trong bối cảnh số lượng nhà được rao bán quá lớn, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và lòng tin của người tiêu dùng giảm sút.
Fannie và Freddie đều mua các khoản nợ của các ngân hàng và chuyển đổi thành chứng khoán có thế chấp để bán lại cho các nhà đầu tư hoặc giữ lại trong sổ sách của hãng. Hoạt động này mang lại nhiều lợi nhuận và tạo nguồn vốn cho 2 hãng cho vay thế chấp nhà đất.
Thu Nga (theo AP)