Chỉ trong đêm 10/2, đã có hơn 380.000 lượt chia sẻ thông tin này trên Weibo và trở thành một chủ đề nhiều người theo dõi trên Twitter. Tin đồn cũng được các tài khoản mạo danh các hãng thông tấn lớn phát đi làm nhiều người tin tưởng vào độ chính xác của thông tin Kim Jong-un bị sát hại khi đang ở Bắc Kinh.
Nhưng các quan chức tình báo Mỹ cho biết họ đã nghiên cứu những tin đồn tương tự trong một tuần qua. "Với mạng xã hội, bạn không thể tin tưởng 100%. Chúng tôi chưa có bằng chứng nào về điều đó",CNN dẫn lời một quan chức cấp cao và thường làm việc với các nguồn tin tình báo mới nhất của Mỹ, nói.
"(Triều Tiên) là một xã hội đóng kín, nhưng tại thời điểm này chúng tôi không cho tin đó là sự thực", ông nói thêm.
Giới tình báo những ngày qua không nhận thấy bất cứ động thái bất thường nào của quân đội Triều Tiên. Điều này củng cố nhận định của họ rằng tin đồn về Kim Jong-un hoàn toàn sai. Truyền thông chính thức của Trung Quốc cũng như hãng tin Hàn Quốc Yonhap đều không hề đề cập thông tin này trong các bản tin.
Sơn Hà