Nhà Trắng hôm nay công bố các biện pháp trừng phạt nhằm vào 30 thực thể của Nga, gồm 6 công ty bị cáo buộc hỗ trợ cơ quan tình báo Nga tấn công mạng các cơ quan liên bang và công ty tư nhân Mỹ. Chính quyền Tổng thống Joe Biden đồng thời mở rộng lệnh trừng phạt hiện có với các ngân hàng Mỹ giao dịch với chính phủ Nga.
Lệnh trừng phạt còn bao gồm trục xuất hơn 10 nhà ngoại giao Nga, những người bị nhắm mục tiêu vì cáo buộc Nga treo thưởng cho các tay súng Afghanistan giết lính Mỹ. Nga phủ nhận cáo buộc này.
Lệnh trừng phạt đồng nghĩa Washington chính thức cáo buộc tình báo Nga thực hiện vụ tấn công mạng SolarWinds nhằm vào hơn 100 công ty Mỹ và 18.000 mạng máy tính của chính phủ và tư nhân. Chủ tịch Microsoft, một trong những công ty bị nhắm mục tiêu, cho biết độ tinh vi và quy mô cuộc tấn công SolarWinds ở mức chưa từng thấy.
Nga nhiều lần phủ nhận thực hiện vụ tấn công mạng này.
"Sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Biden gửi đi một tín hiệu rằng Mỹ sẽ áp đặt lệnh trừng phạt theo phương thức chiến lược và tác động kinh tế lên Nga nếu nước này tiếp tục hoặc leo thang các hành động gây bất ổn quốc tế", Nhà Trắng cho hay.
Ngoài ra, Mỹ cũng trừng phạt 8 cá nhân và thực thể Nga vì sáp nhập Crimea. Trước đó, Liên minh châu Âu (EU), Anh, Australia và Canada đã áp biện pháp trừng phạt Nga vì vấn đề này. EU và NATO ra tuyên bố ủng hộ lệnh trừng phạt của Mỹ, nhưng không có kế hoạch áp thêm trừng phạt.
Lệnh trừng phạt được công bố trong thời điểm quan hệ Mỹ - Nga gặp khó khăn vì nhiều vấn đề, gần đây nhất là việc Nga tăng cường quân đội ở biên giới với Ukraine.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin hôm 13/4 điện đàm, thống nhất "tiếp tục đối thoại". Biden cũng đề nghị Putin tổ chức hội nghị thượng đỉnh tại một nước trung lập.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết việc Moskva đáp trả lệnh trừng phạt của Washington là "không thể tránh khỏi" và bộ đã triệu đại sứ Mỹ tại Moskva John Sullivan. "Mỹ chưa sẵn sàng đối mặt thực tế khách quan rằng có một thế giới đa cực không chấp nhận quyền bá chủ của Mỹ", Zakharova nói.
Trước đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố Nga coi bất kỳ lệnh trừng phạt nào của Mỹ cũng là bất hợp pháp và sẽ đáp trả. "Những gì đang được thảo luận sẽ không giúp ích cho một hội nghị thượng đỉnh. Điều đó rất rõ ràng", Peskov nói, nhưng nhấn mạnh quyết định tổ chức hội nghị phụ thuộc vào lãnh đạo hai nước.
Mỹ lần đầu tiên áp đặt biện pháp trừng phạt kinh tế đáng kể đối với Nga vào năm 2014 để đáp trả việc Moskva sáp nhập Crimea và hỗ trợ lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine, nhằm vào các ngân hàng và công ty năng lượng của Nga. Những lệnh trừng phạt này được bổ sung trong những năm qua.
Các lệnh trừng phạt cùng giá dầu lao dốc đã bóp nghẹt nền kinh tế Nga trong một thời gian, nhưng Moskva đã thích ứng bằng cách cắt giảm chi tiêu công, thay thế hàng hóa nhập khẩu nước ngoài bằng hàng hóa trong nước và dựa vào nguồn thu từ khí đốt, dầu mỏ.
Huyền Lê (Theo AFP, Washington Post)