Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm qua đã chấm dứt những bế tắc kéo dài 6 năm trong việc thực hiện thỏa thuận hạt nhân dân sự mạng tính bước ngoặt ký năm 2008 bằng những điều chỉnh quan trọng.
"Thỏa thuận hạt nhân dân sự là trọng tâm của mối quan hệ đang đổi mới từng ngày của chúng ta. Nó là minh chứng cho một niềm tin mới. Nó cũng tạo ra những cơ hội kinh tế mới đồng thời mở rộng thêm các lựa chọn về năng lượng sạch", First Post dẫn lời ông Modi hôm qua phát biểu tại buổi họp báo chung với Tổng thống Obama.
"Tôi rất vui mừng vì sau 6 năm ký kết hiệp định song phương, chúng ta có thể tiến tới giai đoạn hợp tác, vừa đảm bảo tuân thủ quy định của mỗi nước cũng như luật pháp quốc tế, vừa phù hợp với khả năng về kỹ thuật và thương mại", ông Modi nói thêm.
"Đây là bước đi quan trọng cho thấy chúng ta có thể hợp tác tốt như thế nào để làm bền chặt thêm quan hệ hai nước", Reuters dẫn lời Tổng thống Obama phát biểu tại họp báo. "Chính phủ hai quốc gia đã đạt đến sự thấu hiểu lẫn nhau", ông cho biết thêm.
Ấn Độ và Mỹ từng thông qua một thỏa thuận hạt nhân dân sự vào năm 2008 nhưng nhiều bất đồng đã tồn tại trong thời gian dài bởi luật trách nhiệm hạt nhân của Ấn Độ yêu cầu các nhà cung cấp thiết bị phải hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu có tai nạn xảy ra. Nhưng các quốc gia như Mỹ và Pháp lại kêu gọi Ấn Độ thực hiện theo tiêu chuẩn quốc tế, trong đó quy định trách nhiệm chính thuộc về bên điều hành, tức là chính phủ Ấn Độ, phải bồi thường thiệt hại vì tất cả các nhà máy điện hạt nhân tại quốc gia này đều do Tổng công ty Điện Hạt nhân Nhà nước (NPCIL) quản lý.
Theo kế hoạch mới, nhà thầu tham gia vào quá trình xây dựng các lò phản hứng hạt nhân ở Ấn Độ sẽ mua bảo hiểm từ công ty bảo hiểm nhà nước. Những đơn vị xây dựng sau đó sẽ bù đắp phí tổn bằng cách thu phí dịch vụ. Ngoài ra, NPCIL cũng có thể thay mặt các công ty này đứng ra mua bảo hiểm.
Bên cạnh đó, để thể hiện sự nồng hậu và quyết tâm đưa mối quan hệ lên tầm cao mới, ông Modi hôm qua phá vỡ truyền thống để tới sân bay, đón tiếp và trao cho ông Obama một cái ôm khi Tổng thống Mỹ vừa đáp xuống New Delhi. Đây là một động thái đáng chú ý bởi chỉ một năm trước, ông Modi vẫn còn là "người không được chào đón" ở Washington và bị từ chối cấp thị thực vào Mỹ.
Trong bữa trưa, hai lãnh đạo tiếp tục thảo luận và đề cập đến việc làm mới Nghị định khung Quốc phòng Mỹ - Ấn, có thời hạn 10 năm, được ký kết từ năm 2005, và hợp tác sản xuất chung phi cơ không người lái, nâng cấp trang thiết bị cho máy bay vận tải quân sự C-130.
Những thỏa thuận khác bao gồm việc thiết lập đường dây nóng giữa hai lãnh đạo và các sáng kiến tài chính nhằm giúp Ấn Độ sử dụng tốt hơn nguồn năng lượng tái tạo, cũng như giảm lượng CO2 thải ra bầu khí quyển.
Tuy nhiên, ông Modi cũng nhấn mạnh vẫn còn nhiều việc phải làm để xây dựng mối quan hệ đối tác bền vững giữa hai nền dân chủ lớn nhất thế giới.
Hôm nay, ông Obama sẽ dự buổi diễu hành quy mô với sự tham gia của hàng nghìn binh sĩ quân đội, xe tăng, báy bay nhằm kỷ niệm Ngày Cộng hòa (ngày độc lập) của Ấn Độ. Ông là tổng thống Mỹ đầu tiên có mặt tại sự kiện trọng đại này.
Vũ Hoàng