![]() |
Mứt tết có màu sắc sặc sỡ rất bắt mắt khách hàng. |
Tại tầng một chợ Đồng Xuân có chừng hai chục quầy chuyên bán bánh kẹo với những chiếc thúng con chất đầy các loại mứt sặc sỡ sắc mầu. Đây cũng là đầu mối cung cấp hàng trong thành phố cũng như cho các tỉnh lân cận. Trước những nghi ngại của khách hàng về màu sắc không thật của các loại mứt, ô mai, một chủ hàng phân bua: "Màu đỏ của những quả trám cay này hoàn toàn là ớt bột đấy chứ không hề có chút phẩm màu nào đâu". Nói thì thế chứ ngay cả chủ hàng cũng như những người mua về bán cũng không dám đảm bảo về tính an toàn và chất lượng của sản phẩm vì họ cũng chẳng biết chúng được chế biến như thế nào.
Khách hàng có thể gửi những thông tin về vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm cho Thanh tra Sở Y tế theo số điện thoại nóng: 7333071 và 7330186. |
Trên phố Hàng Buồm, nơi chuyên kinh doanh bánh kẹo ở Hà Nội, cũng bày bán rất nhiều gói mứt được đóng gói trong những chiếc túi nylon, nhưng không hề có nhãn mác hay hạn dùng, ngày sản xuất. Chị Thoa, chủ một cửa hàng lớn ở đây cho chúng tôi hay: "Hàng này chỉ lấy đồ từ mối quen thôi. Vả lại nếu không ưng thì chẳng khi nào khách mua cả. Có người mua mới nhập hàng về chứ và chúng tôi vẫn bán chạy mỗi khi Tết đến".
Theo một vài chủ kinh doanh khác, hiện họ chỉ bán các loại nho khô, hay mứt dừa lấy từ các cơ sở sản xuất trong nội thành giá bình dân hơn. Còn những loại được đựng trong hộp có nhãn mác của các công ty lớn thì đắt hơn, ít người mua về dùng mà chủ yếu đi biếu tặng.
Ông Lê Nhân Tuấn, Chánh thanh tra Sở y tế Hà Nội, cho biết, trong đợt kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm bắt đầu từ 1/1, các cơ sở sản xuất mứt Tết tại Xuân Đỉnh (Từ Liêm - Hà Nội) đều đạt tiêu chuẩn về vệ sinh trong quá trình chế biến.
Những điểm được chú ý nhất là các chợ Đồng Xuân, Hàng Da, Hàng Buồm. Đoàn cũng sẽ kiểm tra các gian hàng có tham gia hội chợ cuối năm hay các siêu thị lớn. 228 xã, phường sẽ thành lập đoàn thanh tra của riêng mình để trực tiếp theo dõi các hộ sản xuất, cửa hàng ăn uống trên địa bàn của mình. Những mặt hàng không đạt yêu cầu vệ sinh sẽ lập tức bị tiêu huỷ tại chỗ và sẽ bị xử phạt hành chính theo nghị định 57, Nghị định 46, Quyết định 178 của Chính phủ về thực hiện quy chế nhãn mác hàng hoá. Đoàn cũng sẽ yêu cầu dừng hoạt động nếu phát hiện sản phẩm không rõ nguồn gốc tại những gian hàng tham gia hội chợ. Các cơ sở sản xuất hay cung cấp thực phẩm, nếu cố tình vi phạm quy định về vệ sinh, đoàn sẽ kiên quyết đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng, phải kiểm soát chặt chẽ hơn nữa mới có thể ngăn chặn được những cơ sở sản xuất chui không giấy phép kinh doanh.
Chị Ngân, cán bộ Công ty xuất nhập khẩu than Hà Nội, khẳng định rằng: "Tôi sẽ không bao giờ mua những sản phẩm không thể xác định rõ hạn sử dụng cũng như không có tên nhà sản xuất để đảm bảo về chất lượng". Tuy nhiên, chỉ cần đứng khoảng 1giờ tại phố Hàng Buồm hoặc chợ Đồng Xuân cũng có thể thấy rất đông người không có quan niệm giống chị Ngân. Một chủ hàng ở chợ Đồng Xuân tiết lộ, 1 ngày giáp tết thế này, sạp của chị có thể thu được từ 10-12 triệu đồng tiền bán buôn và bán lẻ "mứt vô danh".
Thành Lê