Sự hỗn loạn quanh việc Musk tiếp quản Twitter tiếp tục gia tăng sau khi tỷ phú công nghệ gửi lời "nhắn nhủ" đến các nhà quảng cáo ngày 5/11. Sự việc bắt đầu khi Mike Davis, cựu cố vấn của Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng Viện Mỹ Chuck Grassley, nhắn Musk trên mạng xã hội: "Ông có gần 114 triệu người theo dõi trên Twitter. Hãy bêu tên những nhà quảng cáo không chịu nổi sức ép. Bằng cách này ta có thể tẩy chay ngược lại họ. Hãy bắt đầu kế hoạch thu phí tích xanh 8 USD càng sớm càng tốt. Chúng ta có thể lấy lại doanh thu bị mất ngay bây giờ".
Tỷ phú Mỹ đáp lại rằng "một cuộc điểm mặt chỉ tên với sức công phá lớn chính xác là những gì sẽ xảy ra nếu điều này còn tiếp diễn". Thông điệp được đưa ra sau khi Musk đổ lỗi cho các nhóm hoạt động đã kêu gọi và gây sức ép lên nhà quảng cáo, gây ra "sự sụt giảm lớn về doanh thu" của Twitter. "Rất lộn xộn. Họ đang cố phá hủy quyền tự do ngôn luận ở Mỹ", Musk viết trên Twitter.
Trước khi nắm quyền điều hành Twitter ngày 27/10, Musk đã đăng một bài viết gửi đến các nhà quảng cáo và hứa hẹn nền tảng sẽ không trở thành "địa ngục miễn phí".
Các công ty lớn đã rút quảng cáo khỏi Twitter có thể kể đến General Motors, Volkswagen, Audi và Pfizer. Họ lo ngại mối đe dọa tiềm ẩn với sự an toàn của thương hiệu khi mạng xã hội này có nhiều biến động từ khi Musk trở thành ông chủ.
Đáp lại lời tuyên chiến của Musk, Terence Kawaja, Giám đốc điều hành Luma Partners, nhận xét: "Thẳng thắn mà nói, Musk đang đe dọa bêu xấu các công ty đã trả tiền cho mình chỉ vì họ dừng quảng cáo. Họ chẳng làm gì sai khi thấy bất ổn liên quan đến nền tảng được quản lý bởi một người đang kích động".
Không chỉ bị các đối tác quay lưng, Musk còn vấp phải phản ứng dữ dội sau khi sa thải hàng nghìn nhân viên trong tuần làm việc đầu tiên. Một số nói đang nghỉ phép chăm con bị ung thư và bất ngờ nhận được quyết định cho thôi việc trong lúc cần công việc nhất. Trong khi đó, cộng đồng người dùng cũng đang tranh cãi về việc bán tích xanh với giá 7,99 USD của Musk.
Khương Nha (theo Business Insider)