Là cô giáo dạy Văn bậc THCS, chị Nguyễn Trang ở Tây Nguyên không khỏi bất ngờ khi con đem về tờ giấy khen trên đó ghi: Đạt danh hiệu học sinh giỏi kiến thức, năng lực. "Mình nhìn tờ giấy khen mà cảm thấy khó hiểu quá! Con nhỏ mình học lớp 1 ở trường khác thì hiệu trưởng khen: Xuất sắc toàn diện", chị Trang cho hay.
Việc các trường tiểu học viết giấy khen cho học sinh không theo khuôn mẫu là thực hiện theo công văn của Bộ GD&ĐT hướng dẫn tổng hợp đánh giá, khen thưởng học sinh theo thông tư 30. Theo đó, từng trường sẽ quyết định khen thưởng học sinh hoàn thành tốt nội dung học tập các môn học, hay khen thưởng về năng lực, phẩm chất (như có tiến bộ vượt bậc trong giao tiếp; có thành tích nổi bật khi tham gia các hoạt động của lớp, trường)...

Một học sinh được nhận giấy khen giỏi về kiến thức, năng lực. Ảnh: Nguyễn Trang.
Một giáo viên dạy tiểu học ở TP HCM phân tích, Thông tư 30 "đẻ" ra chuyện khen thưởng từng mặt, nhưng lại không rõ ràng trong việc phân loại những mặt đó. Kết quả là giáo viên rối bời, vì không còn định lượng nữa mà chỉ có định tính, tùy từng cá nhân. Mà đã tùy từng cá nhân thì không ai giống ai.
"Bên trường mình đang tranh cãi về việc viết giấy khen này. Có lớp cô cho tất cả học sinh học lực giỏi được khen thưởng, có lớp cô chỉ chọn khoảng 5 bạn nổi trội về mọi mặt. Vậy là đến lúc tổng kết, thống kê của nhà trường cho thấy có lớp có 45 em được khen thưởng, trong khi lớp khác chỉ có 5 em", nữ giáo viên tâm sự.
Một số giáo viên chia sẻ cách làm tại trường mình, như có nơi hiệu trưởng tổ chức họp phụ huynh để xin ý kiến nên khen chê thế nào. Có trường khen học sinh về mặt nổi bật nhất như: Đạt thành tích tốt trong học tập; Có tiến bộ trong học tập; Tham gia tích cực các phong trào đội. Như vậy em nào tốt, tiêu biểu ở từng lĩnh vực sẽ được khen chứ không nhất thiết cứ học giỏi mới được khen.
Tuy nhiên, cũng có trường chỉ khen học sinh xuất sắc toàn diện. Cô giáo Thanh Thuỷ ở Hà Nội cho biết, trường mình chỉ khen những em nào thật sự giỏi, còn những em nổi trội từng mặt thì tuyên dương. "Như vậy sẽ có những học sinh chỉ được 7-8 điểm cuối kỳ không được khen đã đành, còn có em đạt điểm 9-10 môn này nhưng môn kia chỉ được 7-8 điểm cũng không được khen gì. Hay có em hoàn thành rất tốt năng lực và kiến thức nhưng phẩm chất chưa tốt cũng không được khen thưởng. Như vậy thì thiệt thòi cho các em quá", cô Thuỷ nói.
Cô giáo Phạm Phương (Hà Nội) phân tích, mỗi học sinh đều có điểm mạnh và điểm yếu, có những em không giỏi về kiến thức nhưng lại trội về phẩm chất. "Lâu nay đánh giá học sinh thường nhìn nhận về học lực các môn Toán, Tiếng Việt, ít quan tâm tới những yếu tố khác. Nhưng điều quan trọng là làm thế nào để trẻ tự tin, hòa nhập tốt, biết giúp đỡ mọi người", cô Phương nói.
Còn cô giáo Hoàng Mai thì khẳng định, thực hiện thông tư không có gì khó khăn bởi học sinh đều đáng được khích lệ. Mỗi em đều có cái đáng khen, nhất là lớp 1, từ không biết đọc thành biết đọc đã nên khen rồi.
Theo cô Mai, trước đây có tình trạng 95% học sinh của lớp được khen thưởng xuất sắc, nhưng năm nay chỉ những em nào xuất sắc toàn diện, vừa học giỏi vừa tích cực tham gia các hoạt động ngoại khoá, các cuộc thi, đạt giải thì mới được khen là xuất sắc. Còn những học sinh khác thì khen từng mặt. Như vậy sẽ không còn trường hợp cả lớp được khen xuất sắc như trước.
Kiều Trinh