Không phải thi đầu vào như các trường đại học truyền thống nhưng để trở thành sinh viên của Đại học trực tuyến FUNiX, thí sinh phải chia sẻ lý do mong muốn theo học của mình. Trên cơ sở đó, trường sẽ xem xét để lựa chọn thí sinh vào các vòng phỏng vấn tiếp theo.
Lập trình thay đổi cuộc đời tôi
Từng tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin, anh Phạm Hoàng Thọ đã ra trường và đi làm 7 năm nay. Anh trải qua nhiều vị trí công tác trong lĩnh vực phần mềm như: dự án IoT trong lĩnh vực quản lý phòng máy Internet công cộng, quản trị hệ thống dịch vụ trò chơi trực tuyến, phát triển hệ thống các website… Anh hiện là trưởng bộ phận phát triển phần mềm cho một công ty chuyên về lĩnh vực tự động hóa và dạy nghề.
Với mục tiêu trong năm 2016 sẽ phát triển nền tảng mô phỏng hóa phục vụ công tác giảng dạy học nghề trực tuyến và lấn sân sang lĩnh vực IoT trong tự động hóa công nghiệp, anh Thọ đã dành thời gian để tiếp tục đi học.
"Bản thân tôi cũng không hiểu sao mình có duyên với nghiệp lập trình, nhưng chính ngành này đã giúp tôi cảm hóa bản thân", anh Thọ tâm sự trong đơn xin học. Chàng trai Quảng Ninh này cho biết, từ hồi họcTHPT, anh đã tạo áp lực và luôn khiến mọi người trong gia đình phải phiền lòng vì tính ham chơi, đua đòi và thường xuyên nghỉ học…
Năm 2004, dù suýt nữa rớt tốt nghiệp cấp 3 nhưng anh vẫn hăng hái xách balo lên đường thi đại học theo trào lưu. Bỏ qua định hướng của gia đình, tự bản thân nam sinh đăng ký thi vào khoa Kế toán của một trường đại học. Dù điểm đầu vào không cao nhưng anh vẫn trượt đại học, tuy nhiên với quyết tâm được lên thủ đô học cho bằng bạn bè, chàng trai sau đó đăng ký học hệ trung cấp.
"Quãng thời gian tự do không gia đình trong 2 năm học trung cấp, tôi lại càng phát huy bản chất ăn chơi, đua đòi. Tôi thường xuyên bỏ học, giao du kết bạn với các anh chị có máu mặt để chơi bời, nghịch phá đủ trò. Mãi đến khi bị một cô gái trong lớp chửi thẳng mặt, tôi mới bắt đầu nhận ra thói hư của mình", anh Thọ nhớ lại.
Học cho có, năm 2006, sau khi tốt nghiệp, thấy con không thể theo đuổi ngành đã học, mẹ của anh Thọ đã dẫn con tới gặp một người cháu làm trong nghề lập trình. Chỉ lớn hơn Thọ vài tuổi nhưng người anh họ này sống chín chắn và có công việc tốt. Sau cuộc gặp gỡ, chàng trai đất mỏ thay đổi suy nghĩ và bắt đầu theo học lập trình từ đó. Trong đơn xin học của mình, anh Thọ không khỏi tự hào vì ngoài một công việc tốt, hiện anh còn là trụ cột của một gia đình nhỏ.
Kinh nghiệm làm việc hơn 7 năm, bận rộn với gia đình nhỏ nhưng anh Thọ cho biết khi thấy Đại học trực tuyến FUNiX có hệ thống mentor là các chuyên gia đầu ngành công nghệ thông tin, anh vẫn cố gắng trích quỹ thời gian đi học để nâng cao kiến thức.
"Nếu được hỏi vì sao tôi chọn công nghệ thông tin, câu trả lời chỉ có thể là vì tôi đã lỡ yêu và đam mê không bỏ được. Quan trọng hơn chính ngành này đã vớt tôi ra khỏi vũng bùn mà tôi sa vào trước đó", anh chia sẻ.
Học để bắt kịp với thời đại
Trong lá đơn xin vào học ngành Công nghệ thông tin ở trường Đại học trực tuyến FUNiX, Nguyễn Hoàng Phúc Thiện cho rằng thời đại này nếu không nắm vững kiến thức về công nghệ thì coi như bị lạc hậu.
Thiện tự nhận mình là người của thập kỷ trước và mong muốn cải thiện tình hình bằng cách đi học. Quan tâm đến ngành Việt Nam học và không có định hướng làm việc trong ngành công nghệ nhưng Thiện cho rằng, việc bổ sung kiến thức công nghệ thông tin sẽ giúp anh có lợi thế trong công việc và cuộc sống của mình.
Với dự định theo đuổi nghiệp viết sách, Thiện nhận ra việc sử dụng máy tính và Internet thành thạo sẽ giúp cậu tham khảo nguồn tài liệu phong phú trực tuyến, có công cụ hỗ trợ việc viết, lưu trữ và giới thiệu những bài viết của mình, sử dụng phần mềm thống kê nếu có phần nào cần định lượng…
"Ngoài ra, mình đang làm kinh doanh sách online, do đó để marketing hiệu quả hơn, cũng như chuyên nghiệp hơn thì cần nhiều kiến thức IT", Thiện chia sẻ và cho biết có thể dành ra khoảng 10 tiếng mỗi tuần để cải thiện khả năng công nghệ của mình.
Học để hiện thực hóa giấc mơ
Sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, khi gần bước sang tuổi 40, anh Phạm Đăng Quang mới đặt chân sang đất Mỹ để lập nghiệp và thực hiện giấc mơ của đời mình. Anh cho biết bản thân có hai giấc mơ lớn, đó là lấy được tấm bằng đại học chuyên ngành đồ họa và trở thành một lập trình viên thực thụ.
Sang Mỹ, để thực hiện hóa giấc mơ của mình, sau 5 năm theo học tại Đại học Maryland (UMD và MC College tiểu bang Maryland) anh lấy được 2 bằng tốt nghiệp đại học ngành Đồ hoạ (Graphic Communication) và Quản lý in (Printing Management) cùng với một số chứng chỉ khác. Hiện anh Quang đã hiện thực hóa giấc mơ thứ nhất khi đã có một công việc rất tốt, phù hợp với học vấn và một gia đình hạnh phúc cùng vợ và 3 con.
"10 năm trước khi đến Mỹ, trải qua nhiều thay đổi của cuộc sống, có những lúc bị thất nghiệp tôi tự hỏi và cảm thấy ân hận vì tại sao trong lúc còn trẻ và rảnh rỗi mình lại không chịu học. Chính vì vậy, dù bây giờ đã có chuyên ngành khác cùng một công việc tốt nhưng tôi cho rằng học không bao giờ thừa, nhất là trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay. Đây cũng là cách để thực hiện hóa giấc mơ thứ hai của mình", anh Quang viết.
Tin rằng trình độ lập trình của người Việt Nam không thua gì thế giới, đặc biệt khi được học với những người có kinh nghiệm thực tế làm việc trong nghề nhiều năm, anh Quang chọn đăng ký học ở FUNiX. Khác múi giờ, "sinh viên" này cho biết sẽ cố gắng để học theo đúng chương trình và hoàn thành giấc mơ trở thành lập trình viên của mình trong vài năm tới.
N.Loan