Vật giá ngày càng tăng khiến đồng lương ít ỏi của tôi không đủ chi tiêu cho hai mẹ con. Hai năm trước, ngoài lương cơ bản, tôi làm thêm nghề tay trái, thu nhập khá. Số tiền thu nhập từ nghề này tôi đầu tư vào việc khác.
Từ khi dịch Covid, thu nhập nghề này giảm lại. Mọi chuyện vẫn suôn sẻ cho đến đầu năm 2022, việc đầu tư không thuận lợi như tôi mong muốn và tính toán. Hơn nữa, tôi đang dang dở khóa học nâng cao bằng cấp cho bản thân. Khóa học khoảng hai năm, đến nay đã được 2/3 đoạn đường, theo kế hoạch đến tháng tám năm nay sẽ hoàn thành. Trì hoãn việc học để cứu vãn tình thế là điều không thể vì khóa học này gần kết thúc.
Khi hoàn thành khóa học đúng tiến độ, tôi được tỉnh hỗ trợ tiền theo chính sách thu hút người lao động, số tiền 33 triệu đồng. Mọi việc rối như canh hẹ khi tôi huy động từ nhiều nguồn (lương, vay ngân hàng trả dần, vay của người thân...) để đầu tư. Hàng tháng phải chi trả tiền lãi ngân hàng, tiền vay, tiền học phí, tiền quỹ lớp học, tiền học của con, chi tiêu sinh hoạt hàng ngày, các hóa đơn đến kỳ thanh toán (hai hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đã mua được ba năm) khiến tôi mệt mỏi, stress, cáu gắt, mất tập trung, hiệu quả công việc kém.
Tôi đã cố gắng giảm chi tiêu sinh hoạt hàng ngày, tăng thu nhập, tìm kiếm thêm việc làm khác nhưng do tập trung học hành nên thu nhập nghề tay trái giảm lại, chỉ còn mỗi nguồn thu từ công việc chính. Tết đến nơi nhưng tôi chưa sắm sửa gì được trong nhà, chỉ mua cho con vài bộ quần áo loại ít tiền, một ít gia vị, gạo thóc. Chuyện không có gì để nói nếu tôi không bị ép tham gia hoạt động phong trào do công đoàn cơ sở tại cơ quan phát động như ủng hộ tiền mua quà tết, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn tại các xã nghèo.
Tổ công đoàn quản lý trực tiếp của tôi chạy theo thành tích hoạt động phong trào nên ép công đoàn viên phải đóng góp. Lương hàng tháng ba năm nay không được tăng mà trong năm chính quyền cơ quan đã huy động từ một đến hai ngày lương ủng hộ đồng bào lũ lụt. Rồi đến công đoàn cơ sở vận động đóng góp vào các chương trình tôi nói trên. Dù tôi biết nhiều gia đình còn khó khăn hơn mình nhưng đây là hoạt động tình nguyện, không ép buộc, tùy lòng hảo tâm, có ít gửi ít, có nhiều gửi nhiều, không ủng hộ cũng được. Sao lãnh đạo lại tính vào việc đánh giá nhân viên cuối năm bằng hoạt động này?
Tôi đang cố gắng khắc phục tài chính để cuộc sống hai mẹ con đỡ vất vả và áp lực hơn. Con có thể ăn được no hơn, học hành và vui chơi thoải mái hơn. Lúc này nhiều việc đến cùng lúc khiến tôi quá tải, mệt mỏi, sụt cân khá rõ. Tôi không muốn để người khác thấy và biết tình hình tài chính bất ổn nên không thể hiện gì ra bên ngoài.
Tôi vẫn ăn mặc đơn giản, đi làm đúng giờ, hoàn thành công việc được giao, chỉ là tằn tiện lại chi tiêu theo cách khéo léo khác. Mọi người có thể chỉ cho tôi cách từ chối khéo việc tham gia các hoạt động liên quan đến ủng hộ tài chính (dạng không bắt buộc), để tôi khỏi phải áp lực vì thành tích của thủ trưởng đơn vị không? Cảm ơn các bạn nhiều.
Điệp
Độc giả gọi vào số 024 7300 8899 (máy lẻ 4529) trong giờ hành chính để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc