Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Nghị định 46 quy định điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, trong đó chỉ rõ điều kiện hoạt động của tất cả cơ sở giáo dục từ mầm non tới đại học.
Điều kiện thành lập trường đại học có nhiều điểm mới so với trước. Cụ thể, muốn thành lập trường đại học tư thục, tổ chức, cá nhân trước hết phải có đề án phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội và quy hoạch mạng lưới trường đại học được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Nếu trước đây trường đại học tư thục chỉ cần có vốn điều lệ với mức tối thiểu là 250 tỷ đồng (không gồm giá trị đất xây dựng trường) và không quy định về giá trị đầu tư ở thời điểm thẩm định cho phép thành lập trường, thì nghị định mới nêu rõ trường tư thục phải có đầu tư với mức tối thiểu là 1.000 tỷ đồng (không bao gồm giá trị đất xây dựng trường).
Vốn đầu tư này được xác định bằng tiền mặt và tài sản đã chuẩn bị. Đến thời điểm thẩm định cho phép thành lập thì giá trị đầu tư của trường tư thục phải thực hiện được trên 500 tỷ đồng.
Các trường đại học chỉ được tổ chức đào tạo khi Thủ tướng có quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập; có đất đai, cơ sở vật chất, ký túc xá sinh viện, cơ sở phục vụ giáo dục thể chất, có đủ nguồn lực tài chính để đảm bảo hoạt động...
Theo quy định mới, các trường đại học muốn mở phân hiệu cần có diện tích đất xây dựng tối thiểu là 2 ha, trường hợp đặc biệt thì Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo có thể xem xét quyết định. Phân hiệu của trường đại học tư thục phải có vốn đầu tư với mức tối thiểu là 250 tỷ đồng (không bao gồm giá trị đất xây dựng). Đến thời điểm thẩm định cho phép thành lập phân hiệu thì giá trị đầu tư của các trường tư thục phải thực hiện được trên 150 tỷ đồng.
Nếu các trường có hành vi gian lận để được phép thành lập sẽ bị đình chỉ hoạt động. Nếu trong 5 năm các trường không thực hiện được đúng cam kết, hoặc khi mục tiêu và nội dung hoạt động trong quyết định thành lập không còn phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước thì các trường đại học và phân hiệu sẽ bị giải thể.
Bộ Giáo dục và Đào tạo có nhiệm vụ rà soát các đề án thành lập trường đại học đã có chủ trương cho phép thành lập của Thủ tướng trước khi nghị định này có hiệu lực để báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.
Nghị định có hiệu lực từ 21/4.
Trong hơn 400 đại học, cao đẳng cả nước hiện nay có tới hơn 300 trường được thành lập, nâng cấp trong hơn chục năm trở lại đây. Việc mở trường ồ ạt này khiến chất lượng giáo dục xuống thấp, gây bức xúc dư luận.
Hiện nay, Việt Nam có 84 trường (60 trường đại học và 24 trường cao đẳng) ngoài công lập với hơn 13.000 giảng viên và hơn 330.000 sinh viên, chiếm 14% quy mô sinh viên chính quy của cả nước. Ước tính các trường này gánh đỡ cho ngân sách nhà nước 50-60 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh những mặt tích cực, các đại học cao đẳng ngoài công lập còn nhiều hạn chế như: chưa đi vào những vấn đề chiến lược phát triển lâu dài, chưa đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế nâng cao chất lượng đào tạo, tạo uy tín. Rất nhiều trường dân lập xảy ra mâu thuẫn nội bộ kéo dài, khiếu kiện vượt cấp làm uy tín nhà trường giảm sút và tuyển sinh ngày một khó… |