Từ khi chuyển sang công ty mới, Tuấn, một cựu sinh viên Đại học Kiến trúc Hà Nội, liên tục bị bạn bè trách "dạo này mất tích đâu mà không vào mạng?" dù hằng ngày cậu vẫn lướt web và chơi game trực tuyến như xưa. Đơn giản vì cậu không thể đăng nhập được vào Yahoo Messenger (YM).
"Về sau, mình phát hiện ở công ty, quản trị mạng chỉ sử dụng ISA proxy để chặn nên mình mở Tools -> Internet Option -> Advanced và thay đổi một vài lựa chọn, sau đó vào Yahoo Messenger kích hoạt HTML proxy là có thể nói chuyện với bạn bè như bình thường", Tuấn chia sẻ.
Thay đổi lựa chọn trong Yahoo Messenger và Internet Options. |
Tuy nhiên, nếu công ty cấm vào YM bằng cách cài firewall thì người dùng sẽ phải nhờ các "cao thủ" tìm cách vượt qua tường lửa hoặc tìm đến một số giải pháp khác.
Các dịch vụ liên thông với YM
"Bao năm gắn bó với Yahoo Mail và Messenger, tôi, bạn bè và thậm chí cả đối tác đã quá quen với việc trao đổi thông tin qua những tiện ích đó. Bởi thế, khi công ty chỉ cho phép dùng chương trình Skype, chỉ một vài người bạn thân của tôi chịu cài thêm phần mềm này trên máy. Nhưng mỗi khi cần, tôi vẫn phải nhắn tin SMS để nhắc nhở thì họ mới đăng nhập", Liên, đang làm tại một công ty tư vấn du lịch trên phố Cửa Bắc (Hà Nội), cho hay. "Sau một thời gian dài chịu cảnh 'một mảnh tình riêng ta với ta', tôi chuyển sang MSN Messenger khi biết người sử dụng dịch vụ của Microsoft đã có thể chat với các nick YM".
Mời bạn bè bên Yahoo Messenger vào danh sách của Windows Live Messenger. |
Tháng 7/2006, với tham vọng tạo ra một cộng đồng sử dụng IM lớn nhất thế giới, hai nhà cung cấp phần mềm tin nhắn nhanh Yahoo và Microsoft đã quyết định "kết nhịp cầu duyên" cho gần 350 triệu tài khoản Windows Live Messenger và Yahoo Messenger.
Ngoài ra, mọi người có thể dùng thử hai ứng dụng IM đa giao thức là Trillian và Pidgin. Trillian, xuất hiện năm 2002, có thể kết nối các dịch vụ tin nhắn nhanh nổi tiếng lại với nhau, như AIM, ICQ, Windows Live Messenger, Yahoo Messenger, Jabber và Skype. Tương tự, Pidgin, còn gọi là Gaim, cho phép đăng nhập vào nhiều tiện ích chat, trong đó có YM, trên một nền tảng duy nhất. (Tuy nhiên, khi chặn YM, một số quản trị mạng cũng chặn luôn cả hai chương trình này).
Dùng YM qua thiết bị di động
Nếu lỡ quên laptop thì dù có sắp muộn giờ làm, Hải, lập trình viên tại một công ty phần mềm Mỹ, cũng phải vội vã quay về nhà lấy. Tuy không bị cấm chat, mọi hoạt động trên máy tính ở công ty đều được ghi lại nên Hải thấy thiếu thoải mái khi vào blog hoặc nói chuyện với bạn gái, chưa kể thi thoảng anh còn bị khiển trách vì làm việc riêng trong giờ. Mang theo máy tính xách tay và truy cập Internet qua kết nối Wi-Fi "chùa" từ tòa nhà kế bên, Hải có thể tự do mở bất cứ trang web nào mà không cảm thấy bức bối.
Dùng IM+ trên PPC. Ảnh: ShapeServices. |
Nếu không chat được trên máy tính, người ta có thể sắm thiết bị cầm tay Pocket PC, cài phần mềm IM+ (hỗ trợ AIM/iChat, MSN/Live Messenger, YM, ICQ, Jabber, Google Talk và MySpace) rồi đăng ký tài khoản GPRS với nhà cung cấp dịch vụ di động là có thể tán gẫu cả ngày. "Cước phí cũng chỉ vài chục nghìn mỗi tháng mà thôi", Hải khẳng định.
Chat qua Yahoo Mail
Suốt hai tháng tham gia khóa đào tạo ngắn hạn ở Đức, Minh, sinh viên Phân viện báo chí và tuyên truyền, bó tay trước chiếc máy tính "lạnh lẽo" bởi cô không được cấp quyền tải bất cứ một phần mềm nào. Trong một lần gửi thư than thở với bạn, cô phát hiện Yahoo Mail có tích hợp tính năng chat. Tuy còn hoạt động thô sơ, như ít biểu tượng thể hiện sắc thái tình cảm (emoticon), không thể trao đổi file... nhưng với Minh, như thế đã là hạnh phúc lắm rồi.
Chat trong Yahoo Mail. |
Yahoo là công ty thứ hai đưa công cụ tin nhắn nhanh vào thư điện tử sau Google. Khi hãng dịch vụ tìm kiếm bổ sung Google Talk trong Gmail, giới phân tích đã nhận định việc Yahoo và Microsoft thực hiện động thái tương tự chỉ còn là vấn đề thời gian.
Sử dụng dịch vụ webchat
Với xu hướng đưa phần mềm cài trong máy lên mạng, mọi người không khó để tìm ra các trang webchat cho phép kết nối vào Yahoo Messenger, MSN Messenger, AIM... nhanh chóng và thuận tiện. Điểm tích cực của kiểu dịch vụ này là mọi cửa sổ hội thoại nhỏ đều được hiển thị chung trên cùng một cửa sổ trình duyệt lớn, nhờ đó người dùng có thể nói chuyện một cách kín đáo hơn.
Các cửa sổ chat của Meebo. |
"Có một loạt địa chỉ webchat trực tuyến như Meebo.com, eBuddy.com, ILoveIM.com, messenger.yahoo.com, IMhaha.com... nhưng tôi mới chỉ dùng thử Meebo và Web Messenger của Yahoo do lo ngại bị mất mật khẩu khi đăng nhập vào những site không rõ nguồn gốc", Tuấn nói.
Tuấn cho rằng cấm chat trong giờ làm việc không phải là giải pháp tối ưu bởi nhân viên sớm muộn cũng sẽ nghĩ ra cách để trò chuyện với bạn bè. "Một anh bạn của tôi đã lập tài khoản Remote Desktop trực tuyến. Bởi thế, dù công ty chỉ cho phép dùng hòm thư nội bộ, cấm cài mọi phần mềm tin nhắn nhanh, thậm chí chặn cả các website hỗ trợ chat thì anh này vẫn ung dung truy cập máy tính ở nhà từ xa và đăng nhập Yahoo Mail cũng như Yahoo Messenger như thường", Tuấn kể. "Do đó, các công ty cũng nên khuyến khích nhân viên 'chat trong khuôn khổ' thay vì cấm đoán tạo tâm lý ức chế".
Hải Nguyên