Ba mẹ làm nông, làm muối khi mùa nắng nóng và nuôi tôm khi mùa mưa đến. Anh cả xây nhà gần đó, trên đất của ba mẹ cho; hai chị gái lấy chồng gần đó. Tôi và em gái út học rồi lập nghiệp tại TP HCM.
Mẹ tôi rất giỏi, làm việc ngày đêm không biết mệt, quan trọng hơn là bà tiết kiệm từng đồng để nuôi anh em tôi ăn học. Mẹ không dám ăn ngon, không dám mặc đẹp, bật quạt sợ tốn điện, nấu bếp ga sợ tốn gas, bơm nước sợ tốn điện nên chỉ xách nước giếng. Nói chung, mẹ tiết kiệm hết mức có thể. Mọi chuyện lớn nhỏ trong gia đình mẹ quyết là chính, ba đôi khi chỉ góp ý thêm, ông ít khi quan tâm.
Ba mẹ hiện sống với anh thứ hai, tại ngôi nhà chúng tôi lớn lên từ bé do mẹ dành tiền xây mới. Tủ lạnh, bếp ga..., những vật dụng khác hầu như tôi và em gái mua. Tiền điện, ga, gạo, cá... mẹ chi. Vợ chồng anh chị chỉ chi trả những thứ riêng, còn thứ chung mẹ lo hết. 6 năm trước anh trai thứ hai đổ nợ do cờ bạc hơn 100 triệu. Mẹ tôi góp hết những gì có được để trả nợ. Sau đó tôi và em gái cũng góp thêm để trả nốt cho anh, chuộc sổ đỏ ở ngân hàng về.
Năm 2017 lại có ít nhất hai người tìm anh tôi đòi nợ, mỗi người vài chục triệu. Tôi khuyên mẹ đừng trả nữa, để anh tự chịu trách nhiệm những gì mình gây ra. Mẹ không nghe, bảo tin anh hơn là tin tôi với các chị. Năm 2018, anh tôi bị bắt vì tội ghi cá độ bóng đá. Mẹ lại mượn tiền của bà nội để lo cho anh. Lúc trước, ngoài làm muối với nuôi tôm, anh còn làm công việc nhỏ trên xã. Sau vụ bị bắt, anh không còn làm trên đó nữa, chỉ tập trung làm muối và nuôi tôm.
Năm trước anh trúng tôm gần 200 triệu, ai cũng mừng, nghĩ năm nay gia đình anh sẽ được ăn Tết lớn, chắc anh sẽ dành một khoản trả bớt nợ lúc trước mọi người cho mượn. Xin nói thêm, việc nuôi tôm cách xa nhà nên dù có cờ bạc thì người nhà chúng tôi cũng không ai biết. Rồi lúc này mọi người mới vỡ lẽ ra khi những con nợ đua nhau đến đòi, số tiền gần 200 triệu kia chẳng thấm tháp vào đâu. Hai sổ đỏ mẹ tôi cất sau khi chuộc về lần trước cũng bị anh đem đi cầm, giờ mẹ và mọi người mới biết. Anh tôi phải trốn nợ, bỏ về quê vợ sống, những chủ nợ còn lại quay qua đòi ba mẹ tôi.
Tết năm 2020 anh tôi ăn Tết nhà vợ, anh em tôi sum họp mà không có anh, ai cũng buồn, nhất là mẹ tôi. Từ ngày anh bỏ đi, ngày nào mẹ cũng chan cơm trắng với nước mắt, anh là người được mẹ cưng chiều nhất từ trước đến giờ.
Thời gian này ba được ông bà nội thừa kế cho miếng đất bà đang sống, khu này chuẩn bị lên thành phố nên tương đối có giá. Ba mẹ quyết định bán 1/3 miếng đất. Tôi khuyên mẹ không nên bán đất lúc này vì giá sẽ lên trong 1-2 năm tới, bán giờ bà nội sẽ không vui lắm. Mẹ bảo giờ ba mẹ không còn sống bao lâu nữa, lại chẳng có tiền xài, tiền tôi và em gái cho cũng chỉ giúp được phần nào, giờ không bán mà lấy tiền tiêu thì chết rồi đâu tiêu được. Mẹ nói cũng đúng nên mấy chị em tôi không cản nữa.
Số tiền người mua đất ứng đợt đầu mẹ đem trả nợ hết, không giữ lại một đồng. Không có tiền chi tiêu, mẹ lại hỏi mượn chị gái tôi gần đó. Cũng chẳng biết anh tôi còn nợ bao nhiêu người, khi nhận đủ số tiền đó có trả hết nợ cho anh không. Anh tôi than với mẹ là sống ở quê vợ rất khổ, quần áo tự giặt, đi làm quần quật cả ngày không dư, tiền vợ giữ hết, thích thì cho tiền cà phê, không thì thôi. Mẹ nghe thế càng đau lòng hơn, quyết định bán đất lấy tiền trả nợ cho anh. Mẹ một mực cho rằng anh biết lỗi rồi, không để anh khổ nữa, phải trả nợ để anh về làm ăn. Mẹ cho rằng nhiều người đổ nợ chứ chẳng phải mình anh tôi, rồi gia đình nào chẳng có một người như thế để gánh tội cho những người khác. Chúng tôi cản thì mẹ lại nói chúng tôi sợ mất phần. Mẹ còn nói anh tôi không làm cho mẹ buồn, chỉ có tụi tôi khuyên bà đừng trả nợ nữa mới là dằn hắt khiến bà buồn (đôi lúc chúng tôi khuyên không được cũng lớn tiếng với bà). Mỗi lần nói tới là bà khóc, chúng tôi cũng khóc theo.
Thật sự tôi không còn lòng tin nơi anh trai mình, thấy thái độ của anh chẳng có gì là biết lỗi. Liệu sau khi mẹ trả hết nợ, anh có tái diễn như trước? Tôi rất thương ba mẹ, không muốn mẹ suốt ngày ăn cơm chan nước mắt. Thế mà mỗi lần nói đến anh là mẹ bênh chằm chặp với những lý lẽ hết sức vô lý. Còn nếu không nói thì bao nhiêu tiền bạc để ba mẹ dưỡng già đều đổ sông đổ biển hết. Tôi phải làm sao để mẹ bớt khổ?
Nhung
Độc giả gọi vào số 09 6658 1270 để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc