Em lấy chồng được 5 năm, có một trai, một gái dễ thương. Chồng em rất thương vợ nhưng nhu nhược nghe lời mẹ. Em nói chồng ra ở riêng nhưng anh ấy không chịu. Sống trong gia đình chồng như là địa ngục trần gian đối với em. Em muốn ly dị mà sợ con khổ, không có cha hoặc mẹ. Bây giờ em không biết phải làm sao giải quyết vấn đề gia đình mình. Em có nên ly dị không. Xin chuyên gia tâm lý cho em lời khuyên chân thành. (Eunwoo)
Trả lời
Em gái thân mến,
Việc sống chung với gia đình chồng bao giờ cũng gặp nhiều khó khăn. Ngoài câu chuyện khác biệt thời đại, mỗi thời điểm lịch sử xã hội sẽ có những quan điểm và lối sống khác nhau, thì khoảng cách tuổi tác cũng là vấn đề tâm lý rất lớn. Thêm nữa là yếu tố giáo dục gia đình, mỗi người từ bé đến lớn đều đã quen sống với nếp nhà của mình, với những luật lệ và thói quen của gia đình mình, sự khác biệt là tất yếu. Để lấp đầy khoảng cách, lẽ ra em nên tìm hiểu sự khác biệt giữa hai nếp nhà từ thời tiền hôn nhân để có giải pháp khắc phục, hoặc chiến lược ứng phó, thay đổi hay chịu đựng...
Trong thư em nói mẹ chồng nói nhiều, hay xen vào việc riêng của vợ chồng em. Đôi khi đây là tính cách và thói quen của bà, chứ không là ác ý, hay cảm xúc tiêu cực với em? Hoặc bà là người có xu hướng ôm đồm, thích xen vào mọi chuyện vì bà có cảm giác không yên tâm với trách nhiệm dạy con, sợ con cái không có kinh nghiệm sống sẽ thiệt thòi. Và có khi "tật xen ngang" này là thói quen của bà, đến nỗi chính bà cũng không nhận ra mình đã làm phiền vợ chồng em nhiều.
Vì chồng rất yêu thương em, đó là an ủi lớn, nguồn động viên giúp em thay đổi cách suy nghĩ của mình. Điều khả thi nhất để thay đổi là em hãy dùng tình yêu thương với chồng con, gia đình mà hóa giải mọi khác biệt, khó chịu trong cảm xúc tiêu cực với mẹ anh ấy - điều mà em gọi là "địa ngục trần gian".
Yêu thương chồng thì em nên hiểu mà cảm thông và chia sẻ nỗi niềm bối rối khó xử của người đứng giữa hai mối thâm tình, không biết xử làm sao cho vẹn tròn hiếu nghĩa. Nên nhớ, mục tiêu của em là cuộc sống hạnh phúc với chồng con, vậy hãy tập trung vào việc đó, đừng để ý đến những ý kiến của mẹ chồng mà khó chịu, vì mẹ già rồi, sẽ mắc tật này việc nọ, nhưng rốt cuộc vẫn là sự quan tâm và tình thương của bà dành cho con cháu.
Em hãy tập nhìn mẹ với cái nhìn của một đứa con biết quan tâm và có tình yêu thương dành cho mẹ, đừng chấp nhặt lỗi lầm của người già và muốn bà thay đổi. Người già sẽ bảo thủ khó thay đổi, cuộc sống của bà rồi cũng sẽ đi qua, nhưng cuộc sống gia đình em thì còn dài phía trước.
Em nên suy nghĩ tích cực, tập trung vào những điểm tốt, điều hay trong cách sống của bà để nuôi dưỡng cảm tình tốt đẹp trong em, và nghĩ tới tình yêu thương của chồng mà chấp nhận khó khăn sống với mẹ anh. Cách hành xử cao thượng đó khiến tình yêu chồng dành cho em sẽ sâu đậm vì bên dưới tình yêu vợ chồng còn cả lòng biết ơn em trong đó.
Chúc em bình tĩnh, nhẫn nại vượt qua chính mình.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Tâm
Giám đốc Công ty ứng dụng tâm lý Hồn Việt