Tôi 30 tuổi, kết hôn 5 năm, có con trai 4 tuổi và chồng mê cờ bạc. Lần nào bố mẹ chồng và tôi cũng lo thu vén trả nợ cho anh, mong anh tu chí làm ăn. Hàng tháng anh đi làm, phụ thêm cho tôi 2 triệu. Tuy nhiên, anh toàn lừa dối tôi, đem cầm cố hết cả giấy tờ. Đã vậy anh còn vô tâm, không biết chia sẻ với vợ, cục cằn và gia trưởng. Anh có thể tát tôi, lăng mạ tôi nếu tôi cứ xoáy sâu vào việc nợ nần, tra hỏi anh. Anh vô tâm, sĩ diện hão, đang nợ nần, sẵn sàng vay tiền sắm điện thoại xịn, máy tính xịn nhưng sắm xong chẳng được bao lâu lại cầm đồ.
Tôi là giáo viên hợp đồng, dạy có chuyên môn tốt nên rất đông học sinh. Thu nhập của tôi đủ để mẹ con tôi sống thoải mái. Tôi vừa học xong thạc sĩ nên có thể lo cho con độc lập. Điều tôi lo nhất là gia đình chồng rất quý cháu, nếu ly hôn chắc chắn họ sẽ không cho tôi quyền nuôi con, vì tôi không có nhà, không có công việc ổn định.
Chính bản thân tôi cũng thấy mình thật nhu nhược, ngại thay đổi nên cứ duy trì cuộc hôn nhân này. Tôi phải làm sao để thoát được người chồng này và vẫn có quyền nuôi con? (Phạm)
Trả lời:
Con người khi vấn đề tâm lý đã thành bản tính thì họ hành động theo bản năng và thỏa mãn dục vọng. Với dục vọng đánh bạc, sĩ diện thì quả là khó mà giải quyết, bởi vì thói quen đã biến thành bản chất. Những người đã rơi vào bản chất nghiện cờ bạc thì rất khó gỡ ra trừ khi phải dùng đến biện pháp khống chế nguồn tiền bạc hoặc thể xác (giam giữ) mới từng bước làm thay đổi họ.
Chồng bạn “mỗi năm ít nhất một lần thông báo nợ, mỗi lần khoảng 150 triệu” là số tiền quá lớn so với người lao động. Nếu cứ như thế thì lấy tiền đâu để tiếp tục trả nợ. Cùng với cờ bạc, “anh còn vô tâm, không biết chia sẻ với vợ, cục cằn và gia trưởng” thì quả thực là đường cùng rồi. May cho bạn là “có chuyên môn tốt nên rất đông học sinh, thu nhập để mẹ con sống thoải mái” và “bạn vừa học xong thạc sĩ nên có thể lo cho con độc lập”. Đây là những cái cơ bản nhất để khẳng định tương lai của bạn và con bạn.
Điều bạn “lo nhất gia đình chồng rất quý cháu, nên ly hôn chắc chắn họ sẽ không cho bạn quyền nuôi con” là không đúng. Pháp luật căn cứ vào hoàn cảnh thực của vợ chồng sau đó mới đến gia đình. Bạn không có nhà nhưng bên ngoại (cha mẹ bạn có nhà chứ?), còn công việc không ổn định nhưng bạn có nghề nghiệp và đã là thạc sĩ thì ai cũng hiểu đó là người mẹ có nghị lực và nghề nghiệp vững vàng. Nếu thực sự bạn không còn tôn trọng chồng và mong muốn giải phóng cuộc sống bế tắc thì bạn nên ly hôn để lo toan cho cuộc sống tốt hơn.
Ban cứ làm đơn ra tòa xin ly hôn, xin được nuôi con và chứng minh lâu nay bạn vẫn nuôi con, bạn chỉ ở nhà của nhà chồng thôi. Khi ly hôn bạn sẽ thuê nhà và đi làm như bấy lâu nay để nuôi con. Trong trường hợp khó khăn đã có ông bà ngoại giúp đỡ.
Chúc bản lĩnh.
GS.TS. Vũ Gia Hiền
Hội Khoa học Tâm lý & Giáo dục TP HCM