Bởi cứ sau Lễ Tình nhân, số lượng những tâm sự thất vọng về hôn nhân của các thành viên trong nhóm lại tăng cao bất thường.
Nguyên nhân rất đa dạng, nhưng tôi có thể nhận thấy một thứ cảm xúc bao trùm, là sự thất vọng lớn lao đến từ những kỳ vọng không được đáp ứng. Đối lập với mọi mô tả rực rỡ và lung linh trên báo chí về các món quà độc lạ, hay những hành động lãng mạn ai đó kể trên mạng xã hội về chồng hoặc bạn trai của họ, là cảm giác trống vắng cùng cực của những người vợ trong diễn đàn của chúng tôi.
Có những người đợi những điều giản dị đến mức còn không đáng được coi là kỳ vọng: chồng về nhà ăn tối trong ngày Valentine; chồng tặng một món quà nhỏ, nói một lời dễ nghe; phũ phàng hơn là "chùi mép cho sạch" trước khi trở về nếu đã đi vụng trộm...
Và như thế, Valentine tự nhiên trở thành thời điểm để đánh giá lại mối quan hệ. Nếu không được đối phương quan tâm hoặc chính họ cảm thấy không hạnh phúc, họ sẽ chọn Valentine làm cột mốc kết thúc. Nếu đã "mắt nhắm mắt mở" vờ như không biết để gắng giữ một gia đình trọn vẹn cho con, mà người bạn đời thay lòng đổi dạ vẫn không thèm che giấu, họ lúc này sẽ như giọt nước tràn ly, chấp nhận hất đi tất cả để "lành làm gáo, vỡ làm muôi". Cũng có những cặp vợ chồng đã để cho tình yêu nguội ngắt đi và chạm đáy cảm xúc vào ngày Lễ Tình nhân, bởi những dày vò vụn vặt hàng ngày xoay quanh chuyện tiền bạc, bếp núc.
Muốn ly dị sau Valentine có thể chỉ là thứ cảm xúc nhất thời, bột phát trong cộng đồng nhỏ lẻ của chúng tôi. Chúng tôi cũng chưa khảo sát cụ thể, bao nhiêu trong số họ rốt cuộc thực sự kết thúc hôn nhân, sau cơn thịnh nộ của câu chữ trút lên diễn đàn.
Nhưng ở phạm vi rộng hơn, những con số sau khiến tôi bất ngờ: Tòa án Nhân dân Tối cao thống kê, riêng năm 2022 cả nước có trên 500.000 vụ ly hôn, 70% thuộc về các gia đình trẻ trong độ tuổi 18-30. Khảo sát của Viện nghiên cứu Gia đình và Giới cho biết, ở TP HCM bình quân cứ 2,7 cặp kết hôn thì có một cặp ly hôn, 70% do người vợ đề xuất; 60% trường hợp người trẻ ly hôn sau 1-5 năm chung sống, thậm chí chỉ sau vài tháng hoặc vài ngày.
Có nhiều nguyên nhân dẫn người trẻ đến lựa chọn ly hôn. Một là sự chưa trưởng thành về cảm xúc, thiếu kỹ năng giao tiếp và giải quyết xung đột. Thời đại Tiktok 30 giây, đồ ăn nhanh, review phim rút gọn dần khiến người trẻ thiếu kiên nhẫn hơn. Khi xảy ra mâu thuẫn, họ dễ buông tay hơn là nán lại để sửa chữa. Hai là cái tôi cá nhân ngày một lớn, lại được sự cổ vũ của quá trình tiếp xúc với các trào lưu giải phóng cá nhân. Người trẻ coi trọng hạnh phúc bản thân hơn so với các thế hệ trước. Ba là kỳ vọng không thực tế về hôn nhân do ảnh hưởng bởi phim ảnh, tiểu thuyết hoặc mạng xã hội. Bốn là thiếu sự chuẩn bị về tài chính. Căng thẳng về kinh tế có thể dẫn đến mâu thuẫn trong gia đình gia tăng. Giấc mơ "về ngôi nhà và những đứa trẻ" trở nên khó khăn hơn rất nhiều, đặc biệt là ở các đô thị lớn. Năm là sự cởi mở trong các quan niệm xã hội khiến người đã có gia đình bớt lưỡng lự hơn khi muốn chấm dứt hôn nhân. Sáu là sự thiếu hụt kỹ năng duy trì mối quan hệ, trong đó, quản lý cảm xúc chính là chìa khóa. Không ít cuộc hôn nhân tan vỡ vì cách hành xử ích kỷ, chỉ quan tâm đến cảm xúc bản thân, bỏ qua cảm xúc của đối phương. Cuối cùng là sự từ chối tìm kiếm trợ giúp bên ngoài từ các chuyên gia hay chính người thân trong gia đình.
Tôi hiểu rằng, không ai muốn hôn nhân đi đến chỗ đứt gánh giữa đường, nhưng khi nhìn những con số lạnh lùng, tôi phần nào đồng cảm với câu hỏi của một đồng nghiệp: phải chăng người trẻ ngày càng ít coi trọng hôn nhân? Bởi không ít trong số những nguyên nhân kể trên không đáng trở thành lý do đẩy một gia đình đến chia rẽ.
Nhà nước và các tổ chức xã hội đã thảo luận kỹ và đưa ra rất nhiều giải pháp, nhằm hạ thấp tỷ lệ ly hôn, giảm thiểu tác động xã hội lâu dài của thực trạng này.
Không phải cuộc hôn nhân nào cũng đáng níu kéo, không phải lựa chọn sai lầm nào cũng có thể sửa chữa hay chắp vá. Cuộc sống muôn màu và hạnh phúc cũng có nhiều gương mặt. Nhưng với những người trẻ sắp bước vào hôn nhân, thì tôi - người đã từng đổ vỡ để biết quý trọng hơn giá trị của một gia đình - muốn chia sẻ với họ rằng: hôn nhân không chỉ chuyện "trai khôn dựng vợ, gái lớn gả chồng" hay nhằm sinh con đẻ cái. Hôn nhân là hành trình xây dựng nền móng gia đình, để trưởng thành và phát triển bản thân - là nơi chúng ta muốn sống một đời với ai đó chứ không phải sống một lần với ai đó.
Hôn nhân là chuyện hệ trọng để ta phải chuẩn bị đủ kỹ càng trước khi bước vào và cân nhắc đủ thấu đáo khi định bước ra.
Hoàng Anh Tú