Đặng Hồng Quân (46 tuổi, Hà Đông) là nhân viên một cơ quan nhà nước tại quận Hoàn Kiếm. Anh cho biết trưa nào cũng uống đi cà phê, nhưng trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, sở thích này bị hạn chế đáng kể. Chọn bậc thềm vắng bất kỳ, anh ngồi một mình và sẵn sàng bỏ khẩu trang hít khí trời. "Tôi không thích đeo khẩu trang nhưng nghĩ việc tuân thủ là hợp lý. Nếu bắt buộc phải ra nơi đông người, mình vẫn cần tuân thủ", anh nói.
Tương tự, anh Đức Nhật, kinh doanh tự do tại Hoàn Kiếm, thường gọi cà phê mang đi. Từ thời điểm giãn cách xã hội, một người uống cà phê hai lần một ngày như anh không biết ngồi đâu, nhất là khi hẹn gặp đối tác, bạn bè. Anh giải quyết bằng cách chọn những nơi công cộng và thấy không quá phiền vì "ngồi ngoài trời mát mẻ, thoáng đãng, có không khí hơn".
Trải qua đợt giãn cách xã hội thứ 2, người dân đã dần quen với những bất lợi khi ra khỏi nhà. Sống tại Hưng Yên, Phạm Như Thu Hường, 24 tuổi, cân nhắc nhiều hơn khi đi chơi Hà Nội, thay vì một tuần một lần như trước. Từ sau Tết, mối quan tâm lớn nhất của Hường là Hà Nội còn quán cà phê nào mở cửa. Cô đắn đo không biết nên đi hay ở nhà, vì vừa muốn thăm người yêu, vừa sợ thiếu an toàn và mất công di chuyển. Lần thăm Hà Nội gần nhất ngày 24/2, Hường đã gọi điện hỏi han bạn bè, đặt bàn trước 3 ngày để chắc chắn có địa điểm ngồi.
Do ảnh hưởng của Covid-19, hầu hết các quán cà phê tại Hà Nội tạm dừng đóng cửa. Nhu cầu đặt ship, mua mang về tăng chóng mặt. Giờ cao điểm của các quán cà phê hiện nay đo đếm bằng hai yếu tố chính: lực lượng shipper đứng trực nhận giao đồ và số lượng đồ uống sắp sẵn chờ giao đi.
Hoàng Tuấn Sơn, chủ một quán cà phê trên phố Chân Cầm, cho biết những ngày này anh chỉ nhận ship. Từ 7h sáng, các gói đồ uống đơn giản được anh chuẩn bị trước, trang trí thêm mặt cốc gửi khách quen.
"Tình hình dịch bệnh, khách giảm nhiều nên không ai dám đánh liều đón khách, chỉ bán qua mạng để duy trì", anh nói. Nhiều quán cà phê cũng giữ chung tâm lý này, kéo cửa một nửa, trưng biển bán mang về hoặc nhận tiền bằng giỏ. Một số quán mở cửa tại phố Nhà Thờ, chủ quán kê bàn đôi, nhận khách dưới 3 người, giữ khoảng cách theo đúng yêu cầu.
Tuy nhiên, tâm lý "ngồi nhà không thích bằng ngồi quán" khiến nhiều người vẫn ra đường. Dọc phố Duy Tân, ngã tư Hàng Bông lúc 12h ngày 23/2, các vỉa hè, lề quán cà phê chật kín người ngồi dù "cửa đóng then cài". Đa phần là nhóm nhỏ 3 người. Người dân chủ yếu mua nước giải khát từ quán và tìm chỗ tán gẫu, ngắm đường phố.
Xung quanh hồ Hoàn Kiếm, hồ Giảng Võ, hồ Hoàng Cầu, các ghế đá cũng trong tình trạng kín chỗ. Khoảng cách giữa các ghế xa nhau, vì thế nhiều người lựa chọn.
Chật vật duy trì hoạt động, một quán cà phê ba mặt tiền tại quận Hoàn Kiếm sụt giảm gần 70% doanh thu theo ngày. Nhân viên duy nhất đang làm việc tại đây cho biết, trước Tết quán luôn đông khách và cần 3 người phục vụ trong một ca.
Tuân thủ yêu cầu từ các cơ quan chức năng, quán chỉ bán đồ cho khách mua mang đi, song vẫn có người ngồi lại vỉa hè. Đa số khách ngồi ngoài đều tháo khẩu trang, nhưng chủ động giữ khoảng cách với người khác. Khi có xe tuần tra đi qua nhắc nhở, những người này đều lấy khẩu trang ra đeo, một số liền đứng dậy ra về, không có trường hợp nào bị xử phạt. Một vị khách cho biết, lực lượng tuần tra đi lại khá thường xuyên nên ít người nán lại lâu.
Trái với những quán cà phê, nhiều hộ dân vẫn bán trà đá hàng ngày tại các ngõ hẻm của khu vực phố cổ. Hầu hết chủ quán chuẩn bị đồ trong nhà, đặt vài ghế nhỏ phía ngoài và có khách thì mang nước ra.
Thiếu tá Nguyễn Thanh Tuyền, tổ trưởng Tổ cảnh sát trật tự Công an phường Hàng Gai (Hoàn Kiếm), cho biết tình trạng bán chui này phường nào cũng có nhưng không đáng kể, chủ yếu vì mưu sinh. Nhiệm vụ quản lý trật tự, nhắc nhở các hộ dân của phường diễn ra thuận lợi vì trải qua những ngày giãn cách, người dân đều tự giác ý thức, bán cho khách quen, giữ khoảng cách, đeo khẩu trang...
Trước đó, Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng yêu cầu đóng cửa quán ăn đường phố, trà đá, cà phê từ 0h ngày 16/2. Việc đóng cửa quán ăn đường phố, quán cà phê, trà đá là biện pháp mạnh tiếp theo của Hà Nội sau khi phát hiện bệnh nhân người Nhật. Trước đó từ 1/2, Hà Nội đã đóng cửa quán bar, vũ trường, karaoke, dừng các lễ hội.
Ngọc Diệp - Minh Tùng