Qua điện thoại, giọng Đặng Văn Hòa (quê Bình Định) vẫn còn rặt chất quê miền Trung. U40 nhưng chưa chịu lập gia đình, cuộc sống của anh vốn ở trên xe nhiều hơn ở nhà. Hỏi khi nào cưới vợ, anh chỉ cười.
"Khỏe mình mà cũng cực cho nhiều người không được ra đường", anh Hòa kể về những ngày lái xe tuyến Sài Gòn - Tây Ninh, đường vắng, ít kẹt xe và cũng nhiều thứ anh phải làm quen dần trong mùa dịch. "Sợ dịch, sợ lây bệnh từ ai đó lắm chứ vì tiếp xúc, va chạm nhiều nhưng giờ mình không làm thì chủ xe, chủ hàng, bản thân mình đều có cái khó, nhất là nếu mình nghỉ thì không có lương nên thôi cứ chạy".
Dịch Covid-19 khiến nhiều ngành nghề được liệt vào hàng "không thiết yếu" phải tạm dừng. Riêng giới kinh doanh vận tải, đặc biệt các công ty vận chuyển hàng hóa như nơi Hòa đang làm việc vẫn được hoạt động. Nhà trọ thỉnh thoảng ghé qua, còn Hoà chủ yếu sống trên xe ngày qua ngày.
Giới tài xế ôtô liên tỉnh trong khoảng hai tháng qua bắt đầu làm quen với nhiều thứ mới mẻ. Nếu là kinh doanh hộ gia đình, tài xế phải tự đi xin cấp giấy nhận diện phương tiện vận chuyển hàng hóa, lương thực, thực phẩm kèm mã QR Code. Với các tài xế làm việc cho công ty, họ bớt được phần này nhờ có người của công ty đó làm thay.
Khi qua địa phận của mỗi tỉnh, tại các chốt kiểm soát, tài xế phải trình giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính giá trị 3 ngày và các giấy tờ liên quan đến công việc và lộ trình di chuyển để được qua chốt. Nhưng mỗi tỉnh, thành lại có phương pháp chống dịch và yêu cầu giấy tờ không thống nhất. Nơi phân luồng bằng tem màu, nơi lại giấy xét nghiệm nhanh, hoặc PCR. Chi phí vì thế cũng tăng lên cao. Nhiều tài xế phải tự bỏ tiền làm xét nghiệm mà không thể thanh toán với công ty, vì nhiều lý do liên quan giấy tờ, tiền khoán.
Nhiều tài xế cho biết, có trạm xử lý rất nhanh nhưng cũng có nơi phải đợi nửa tiếng hoặc cả tiếng mới được qua vì lượng xe lớn tập trung cùng lúc, hoặc vì tài xế cung cấp thiếu giấy tờ cần thiết. Một số tỉnh không có trạm test nhanh, tài xế phải quay lại tìm cơ sở y tế dọc đường hoặc quay tận về nơi xuất phát để làm test.
Văn Trọng, 37 tuổi, lái xe container lạnh tuyến Hưng Yên - Hải Phòng, thỉnh thoảng chạy thêm Đà Nẵng - Hải Phòng. Với đặc thù hàng thực phẩm lạnh dành cho xuất khẩu nên thời gian rất quan trọng, nhưng từ khi có nhiều hàng rào chống dịch, thời gian tăng đáng kể. Anh cho biết, bình thường mỗi chuyến cả nằm chờ, lưu kho và di chuyển là 4-6 tiếng, nay tăng lên thành 10-12 tiếng thậm chí 16-18 tiếng. Vì vậy, nhiều tài xế chọn cách di chuyển vào đêm hoặc sáng sớm để thông thoáng hơn.
Dịch khiến nhiều tỉnh áp dụng giãn cách xã hội khiến lượng người tham gia giao thông giảm hẳn. Việc lái xe vì thế cũng bớt phần áp lực nhưng lại nảy sinh nhiều bất tiện, nhất là khoản ăn uống vì nhiều hàng, quán đóng cửa. Như Văn Trọng thậm chí còn không thể ăn gì trên xe, vì khi vào đoạn tắc đường, xe vẫn nhích được chứ không dừng hẳn. Nếu dừng ăn thì gây tắc cho xe khác, mà chạy tiếp thì đói.
Trong khi đó, Văn Hoà lại chọn cách tự đi mua nồi, xoong, bếp ga mini, thức ăn mang theo để tự nấu nướng. "Lúc trước khi dịch chưa bùng mạnh, một số nơi còn mở cửa thì mình gọi trước để họ chuẩn bị. Bây giờ hầu như không ai bán nữa nên phải tự xử lý", anh nói.
Trường hợp của Đinh Công Nam (SN 1989, quê Đồng Nai) cũng giống anh Hòa. Lái xe giao hàng tuyến Sài Gòn - Hà Nội, Nam nói "gần cả tháng qua toàn mỳ gói, lương khô mang theo vì hàng, quán đóng cửa hết". Nam chạy cùng một đồng nghiệp khác, mất khoảng hơn 30 tiếng để đi từ đầu phía nam ra đầu phía bắc.
Nam nói mình còn trẻ tuổi hơn nhiều mấy anh đồng nghiệp nhưng cũng sở hữu 10 năm lăn lộn với nghề tài xế. Anh kể rằng vài ngày sau "cuốc" xe cuối cùng về đến Sài Gòn, ngày 20/7, nơi tập hợp các xe của công ty Nam làm việc ở khu công nghiệp Vĩnh Lộc, quận Bình Tân, bị phong tỏa do xuất hiện nhiều ca nhiễm. Anh và nhiều đồng nghiệp khác bị "chôn chân" tại đây, không đi đâu được.
"Công ty làm việc với cơ quan chức năng, có xe nào đi giao hàng được thì đi xe đó, không thì mọi người đều ở trên xe hoặc khu nhà ở tập trung dành cho anh em dựng bằng container (có máy lạnh)", Nam nói. "Đặt hàng shipper giao đồ ăn, nếu vào được thì không sao, không vào được khu phong tỏa thì ăn mì gói. Xe nào anh em tài xế cũng thủ sẵn mì gói, ấm đun siêu tốc hết".
Gia đình Nam gửi lương thực tiếp tế từ Đồng Nai lên, gạo, rau, thịt có đủ. Bữa ăn ngày 28/8 của Nam và anh em tài xế ngon hơn thường lệ. Nhưng có một khó khăn mà cánh tài xế không giải quyết được, là nỗi nhớ nhà. Văn Trọng đã 2 tháng không được về nhà, dù nhớ vợ con, muốn ôm vợ, hôn con cũng chỉ làm được qua chiếc màn hình điện thoại đã xước vừa bằng lòng bàn tay.
Đoàn Dũng - Thành Nhạn