Khúc cua trên con đường nhựa qua Lóng Luông (Vân Hồ, Sơn La) xếp kín ôtô như mùa du lịch. Nơi đây là chốt tuyên truyền, kiểm soát dịch Covid-19 của cảnh sát giao thông. Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành về giãn cách xã hội từ 1-15/4, và kéo dài tới 22/4 đối với những địa phương có nguy cơ cao. Xe chạy dịch vụ bị cấm ở nhiều nơi. Tuy vậy, mật độ giao thông qua xã miền núi vẫn như ngày thường. Lóng Luông nằm trên đường từ Hà Nội đi Mộc Châu và nhiều địa điểm khác vùng Tây Bắc.
"Có những ngày chúng tôi kiểm tra tới 2.000 lượt xe qua lại", một cán bộ thanh tra giao thông ở Sơn La cho biết.

Một trạm kiểm soát ở Lóng Luông.
Anh cho biết, các tài xế thường lấy lý do chở người nhà về quê, chở nhân viên của công ty, dọc đường cho đi nhờ, chở người đi cấp cứu, chạy dịch vụ nhưng chở miễn phí, mượn xe của người quen không đăng kí dịch vụ, thuê xe tự lái để chạy. Tuy vậy, qua phỏng vấn chéo, kiểm tra lịch trình, xác minh nhân thân thì anh cùng đồng nghiệp đều xác định được có đến 90% là xe chạy thuê và dịch vụ có thu tiền. Nhiều tài xế khi bị xử lý thì lăng mạ, xúc phạm thậm chí đe doạ.
Không chỉ "chạy chui", các nhà xe chạy liên tỉnh còn thu phí của khách cao hơn khoảng 300.000-700.000 đồng. "Nếu ngày thường, lẽ ra giá vé phải giảm, vì giá xăng dầu đã giảm", anh này nhận định. Khách hàng trên các chuyến xe này chủ yếu là lao động nghèo, không thể ở lại thành phố thời buổi không có việc làm, không có thu nhập lại thiếu hiểu biết về tình hình xã hội.
Bên cạnh vi phạm quy định giãn cách như mỗi xe chỉ được chở 50% số ghế, không quá 20 khách một xe, các tài xế xe dịch vụ còn phạm lỗi giao thông như đón trả khách sai quy định, quá tốc độ, vượt đèn đỏ, sai làn... Nhiều xe thậm chí còn chở quá số người quy định. Để tránh không bị phát hiện, nhiều tài xế taxi tháo mào, tháo phù hiệu, không hiển thị hợp đồng dịch vụ vận tải.
Các tài xế cố chạy dịch vụ cho rằng dù biết mức xử phạt là khá cao, nhưng vì lợi nhuận, "mưu sinh" mà vi phạm quy định. Nguyễn Cường (41 tuổi, Hà Nội), tài xế chạy xe dịch vụ nói: "Chúng tôi chấp nhận lách luật, vì áp lực trả nợ ngân hàng, duy trì cuộc sống luôn treo trên đầu".
Cường không chọn cách bán xe để cắt lỗ, bởi nếu bán xe thì không biết làm gì, dù lượng khách đã giảm mạnh từ đầu mùa dịch. Vậy nên anh chọn cách chạy "chui".
"Tôi biết làm thế là sai, nhưng với gia đình, tôi thấy mình đúng", Cường cho biết.
Tuy vậy, có nhiều tài xế suy nghĩ khác, tuân thủ quy định. Tuấn Anh (26 tuổi, Hà Nội) hay Văn Dương (33 tuổi, Sài Gòn) chọn cách bán xe, tìm công việc khác. Xuân Kiên (47 tuổi, Nam Định) thì cho rằng, an toàn của xã hội cũng là an toàn cho gia đình, nên sẽ thực hiện đúng chủ trương của Chính phủ. Anh sẽ dùng tiền tích luỹ để duy trì cuộc sống, hạn chế chi tiêu.
"Nếu dịch bệnh sớm được kiểm soát, tôi cũng sẽ sớm được trở lại chở khách", Kiên nói.
Đoàn Dũng