Theo “Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc” do Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam công bố vào ngày 25/5/2015, hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc được hiểu như sau:
“Quấy rối tình dục” là hành vi có tính chất tình dục gây ảnh hưởng tới nhân phẩm của nữ giới và nam giới, là hành vi không được chấp nhận, không mong muốn và không hợp lý làm xúc phạm đối với người nhận, và tạo ra môi trường làm việc bất ổn, đáng sợ, thù địch và khó chịu. Các hình thức quấy rối tình dục bao gồm:
- Hành vi mang tính thể chất: tiếp xúc, động chạm, sờ mó, vuốt ve…tấn công tình dục, cưỡng dâm…
- Hành vi quấy rối bằng lời nói: quấy rối tình dục bằng lời nói gồm các nhận xét không phù hợp về mặt xã hội, văn hóa và không được mong muốn bằng những ngụ ý về tình dục như những truyện cười gợi ý về tình dục, những nhận xét về trang phục hay cơ thể của một người nào đó khi có mặt họ hoặc hướng tới họ. Hình thức này bao gồm cả những lời đề nghị và những yêu cầu không mong muốn hay lời mời đi chơi mang tính cá nhân một cách liên tục.
- Hành vi phi lời nói: quấy rối tình dục bằng hành vi phi lời nói gồm các hành động không được như mong muốn như ngôn ngữ cơ thể khiêu khích, biểu hiện không đứng đắn, cái nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục, các cử chỉ của ngón tay... Hình thức này bao gồm việc phô bày các tài liệu khiêu dâm, hình ảnh, vật, màn hình máy tính, áp phích, thư điện tử, ghi chép, tin nhắn liên quan tới tình dục.
Bên cạnh đó, theo khoản 2 Điều 8 Bộ Luật lao động 2012 thì “quấy rối tình dục tại nơi làm việc” là một trong những hành vi bị cấm.
Đối chiếu các quy định vừa trích dẫn ở trên với trường hợp của bạn, nếu thấy hành vi của sếp xâm phạm đến quyền lợi cũng như danh dự, nhân phẩm, bạn có thể gửi đơn tố cáo đơn cơ quan công an có thẩm quyền để được xem xét giải quyết kịp thời. Cần lưu ý, khi gửi đơn tố cáo bạn nên gửi kèm những tài liệu để chứng minh cho việc ông sếp này có hành vi quấy rối tình dục đối với nhân viên (ví dụ như: đoạn ghi âm, video, thư từ, email…hoặc những tài liệu khác).
Luật sư, Thạc sĩ Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội