Người gửi: TS. Nguyễn Quốc Tuấn
Rất nhiều hội thảo, rất nhiều báo cáo, rất nhiều nghiên cứu, rất nhiều ý kiến... tóm lại là rất, rất nhiều nhưng tất cả các ý kiến đó đều chưa nhìn thẳng vào sự thật.
Tôi có đọc bài báo của nhà báo Hữu Thọ viết về ba cái sợ của người tài: sợ thứ nhất là không có người dùng, sợ thứ hai là không công bằng và sợ thứ ba là những kẻ bất tài. Hai cái sợ trên tôi chưa có dịp bàn luận nên chỉ bàn luận cái sợ thứ ba.
Người tài thực sự thì họ không đủ mưu mô và thời giờ để đối phó kẻ bất tài. Từ lâu chúng ta đã đưa ra những chính sách, tiêu chí mà vô hình trung đã dung túng túng kẻ bất tài. Khi những kẻ bất tài nắm quyền hành thì họ sẽ tìm cách dìm chết người tài bằng nhiều hình thức.
Để tồn tại được một số người tài phải nằm im (ở cơ quan) và làm thêm bên ngoài, số khác thức thời hơn thì cũng đành phải khom lưng uốn gối để tìm cách có được địa vị, chức vụ. Có chức vụ địa vị trong đơn vị khoa học thì họ mới có cơ hội làm chủ đề tài, dự án... nhanh chóng phong học hàm học vị.
Nhưng thực chất họ hoàn toàn xa rời khoa học. Họ núp bóng danh nghĩa khoa học để làm kinh tế. Một số cán bộ khoa học sau khi có đầy đủ học hàm học vị, chuyển sang làm chính trị để có được chức vụ cao sang hơn, kiếm được nhiều bổng lộc hơn. Thử hỏi cứ nằm trong cái vòng luân hồi như vậy nước ta còn đâu là khoa học chân chính.
Muốn khoa học và công nghệ trở thành đòn bẩy phát triển kinh tế nước nhà chúng ta phải thay đổi từ chính sách vĩ mô về công tác tổ chức, công tác cán bộ.
Lấy thí dụ ở nước Pháp, sau khi tốt nghiệp phổ thông những học sinh đủ tiêu chuẩn được tuyển vào các lớp dự bị đại học. Ở đây có các giáo viên ưu tú nhất đảm nhiệm giảng dạy. Sau ba tháng tiếp tục loại một nửa để ra ngoài học các trường đại học ghi danh. Số còn lại được tiếp tục học trong hai năm và qua một kỳ thi nghiêm khắc với nhiều vòng tuyển chọn để vào các trường lớn. Thi đậu vào trường hạng nhất để đào tạo thành các nhà khoa học. Trường hạng hai để đào tạo chính khách, trường hạng ba, hạng tư... trở thành các tổng công trình sư...
Như vậy, ngay từ khi còn ghế phổ thông, họ đã có kế hoạch chọn những người tinh tú, thông minh cho các cương vị khoa học và lãnh đạo xã hội rồi chứ không như nước ta, khi có cương vị xã hội thì mới tìm cách hợp thức hóa bằng cấp cho họ.