Theo lời khai của bị cáo Dâu, thời điểm quen biết Nguyễn Cương (nguyên phó Ban quản lý các khu chế xuất, công nghiệp TP HCM) là vào khoảng năm 1996 khi ông vào thành phố này họp. Sau đó, Cương nhiều lần điện thoại cho ông Dâu khi ra Hà Nội và xin được đến nhà thăm. Thỉnh thoảng, Cương có dẫn theo người lạ mà qua tiếp xúc mới biết là các doanh nghiệp đang có nhu cầu xin hạn ngạch xuất khẩu.
Cụ thể, ông Cương có đi cùng Lai Wai Hung (phó tổng giám đốc Công ty Sudance) đến nhà riêng ông Dâu khoảng 4 lần và hầu hết đều có cầm theo hồ sơ. Ông Dâu trình bày: "Họ có hỏi tôi về cơ chế và quy trình làm hồ sơ và vì quá nể anh Cương hơn nữa ông Hung là người nước ngoài, nói đi nói lại không tiện nên tôi có bút phê vào góc những bộ hồ sơ đó với nội dung như "Kính chuyển Vụ xuất nhập khẩu giải quyết, báo cáo". Cũng theo ông Dâu, "bị cáo chỉ nghĩ đơn giản ghi như thế cũng như khi ghi cho các doanh nghiệp gửi đơn trên Bộ, đó chỉ là thói quen".
Tuy nhiên, chủ tọa "truy", theo quy trình các bộ phận nhận hồ sơ sẽ làm các công đoạn kiểm tra, nghiên cứu, đề xuất ... rồi mới xin ý kiến cấp trên nhưng khi hồ sơ gửi vào lại đã có luôn bút phê của thứ trưởng thì cấp dưới phải hiểu rằng "hồ sơ này tôi đã coi" chứ. Đến lúc này, ông Dâu mới thừa nhận "có thiếu sót, đã để người ta lợi dụng" nhưng nại thêm: "Việc tôi bút phê là muốn cấp dưới phải làm theo tinh thần cải cách hành chính của Bộ, nhanh chóng giải quyết cho các doanh nghiệp".
![]() |
Mai Văn Dâu và Lê Văn Thắng. Ảnh: N.H |
Tòa đã công bố lời khai của cấp dưới ông Dâu là Lê Văn Thắng, trong đó khẳng định "nhận được hồ sơ có bút phê ông Dâu, dù các doanh nghiệp này chưa đủ giấy tờ cũng phải giải quyết ngay".
Đối với tội danh nhận hối lộ, ông Dâu phủ nhận. Theo bị cáo này, "tại cơ quan điều tra, tôi bị bệnh hiểm nghèo. Vì hoàn cảnh bức bách, muốn cứu sống lấy mình nên khi cán bộ công an nói Nguyễn Cương đã khai biếu tôi 38.000, tôi phải nhận tội thì mới được xét cho tại ngoại nên tôi khai bừa là có nhận 6.000 USD. Nhưng sau đó, tôi vẫn không được ra ngoài nên mới thay đổi lời khai". Vị nguyên thứ trưởng này chỉ thừa nhận "cầm" một bộ vest của Bùi Văn Tuấn và một chai rượu của ông Lai Wai Hung.
Khi được hỏi về việc đặt mua 4 nền nhà tại Công ty Cổ phần Xây dựng may Huy Hoàng, ông Dâu khai "có lần vào TP HCM, anh Cương nói anh có hai thằng con trai, để một đứa ngoài Hà Nội, một trong này lấy chỗ đi lại lúc tuổi già nên đã theo ông Cương đi xem đất. Sau đó định để vợ đứng tên nhưng bà ấy không chịu". Tuy nhiên, Bùi Văn Tuấn phủ nhận lời khai trên vì "hợp đồng mua bán bị hủy là do không xin được hạn ngạch nên Tuấn đã rút lại tiền cọc, không mua đất nữa".
Liên quan đến lời khai của Mai Thanh Hải về việc có "nhờ bố xem xét hạn ngạch cho công ty bạn con" (nhằm phủ nhận tội lừa đảo), ông Dâu khai "có nghe con nói nhưng la rầy nó không được làm như vậy". Đối với lời khai của ông Dâu tại cơ quan điều tra, khẳng định Hải có bằng tốt nghiệp Đại học Ngoại thương, nay tại tòa ông Dâu ấp úng: "Một lần có nghe vợ nói con đã tốt nghiệp nhưng thực ra là thằng con trai khác chứ không phải Hải".
Trước đó, trả lời thẩm vấn, Lê Văn Thắng luôn liến thoáng chối tội. Theo Thắng, việc bị cáo khai có nhận 18.000 USD từ Trần Thu Lan (Công ty May và Thương mại Á Châu) là do "Mẹ tôi già, rất muốn tại ngoại nên đã khai như vậy. Xin quí tòa xem xét". Cũng theo Thắng, "bị cáo bị ép nhận tiền" vì "gần như là tôi bị đột kích, không biết họ đến giờ nào"... và thường "dấm dúi để phong bì trong gói quà", sau đó mới điện thoại nói cho tôi biết... "Nhiều khi tôi rất bực mình, xấu hổ.... muốn trả lại nhưng không được vì cả tháng mới gặp lại nhau, hơn nữa người đưa là phụ nữ nên rất khó từ chối", Thắng phân bua.
Khi HĐXX công bố lời khai của Bùi Thị Huyền Nga (người đi cùng Lan) đến nhà Thắng lần đầu khẳng định: "Lan đưa cho tôi một phong bì 3.000 USD bảo đưa dùm cho Thắng và tôi đã đẩy qua cho Thắng trên mặt bàn", thì Thắng phản ứng rằng "họ bịa chuyện".
Chiều nay, tòa tiếp tục thẩm vấn.
Nguyễn Hải