Tôi sinh ra ở miền Trung, cha mẹ quanh năm lam lũ với ruộng đồng. Năm anh em tôi đều khôn lớn trưởng thành nhờ củ khoai, hạt lúa và sự tảo tần sớm hôm của cha mẹ. Cha tôi tuy không biết chữ nhưng ông là một người cha tuyệt vời. Thời bao cấp khổ cực, quanh năm ăn cơm độn, ăn còn không đủ no nói gì tới món ngon như bây giờ. Tôi nhớ như in lần cha đi gặt lúa cho hợp tác xã, cuối buổi có liên hoan nên ngày hôm đó trong bữa cơm của cha có hai con cá trích (loại cá mỏng dẹt, nhiều vảy và xương). Cha không nỡ ăn khi nghĩ về chúng tôi nhưng cũng không thể cứ thế mang về nên ông kiếm tờ giấy sạch, cạo hết vảy cá và bẻ đầu ngồi ăn ngon lành, còn phần ngon nhất cha gói ghém cẩn thận cuối buổi dành cho chúng tôi.
Tôi lúc đó còn nhỏ nên khờ khạo hỏi "Sao cá ngon mà cha chỉ ăn đầu"? Cha cười hiền: "Vì cha thích ăn phần đầu, nó rất bùi mà ngon con ạ". Tôi thấy mẹ khóc dù bà đã cố giấu những giọt nước mắt lăn dài trên má. Cha không bao giờ áp đặt chúng tôi phải như thế nào, luôn muốn chúng tôi tự phấn đấu để trưởng thành và khuyến khích tự lập dù khá chật vật khoảng thời gian đầu. Năm anh em, hai trai ba gái lần lượt dìu dắt nhau vào những trường đại học danh tiếng.
Nói về gia đình tôi, dù cuộc sống khó khăn nhưng anh em tôi rất hòa thuận, thương yêu nhau. Tôi là con cả nên khi ra trường phải thay cha mẹ lo cho các em. Những năm đầu, thực sự là quãng thời gian vất vả với tôi. Tôi nhớ những năm đó, mỗi ngày chỉ ngủ được khoảng 3 đến 4 tiếng. Ngoài công việc chính tôi còn phải làm thêm để kiến tiền nuôi thân và lo cho hai em dưới mình ăn học trên thành phố. Sau khi lo cho bốn em ra trường có công việc ổn định tôi mới tính chuyện gia đình. Cũng bởi vậy tôi lập gia đình muộn, khi đã 38 tuổi. Sở dĩ tôi kể chi tiết về hoàn cảnh của mình là để mọi người có thể hiểu hơn những thiệt thòi mà cha mẹ tôi đã trải qua.
Vợ tôi là bác sĩ nhi khoa. Với bệnh nhân cô ấy là một bác sĩ tận tâm với công việc. Với gia đình, cô ấy thực sự là một người vợ tuyệt vời. Với con cái cô ấy là một người mẹ chỉn chu và khá nghiêm khắc, không như nhiều bà mẹ mà tôi gặp trong đó có mẹ tôi. Tôi chưa bao giờ có thể chê trách gì cô ấy trong việc chăm lo gia đình nhỏ của mình. Chúng tôi kết hôn hơn 10 năm, sống rất hạnh phúc với hai tài sản lớn gồm một trai, một gái. Chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói khi thời gian gần đây cha mẹ tôi yếu đi nhiều.
Ông bà cũng hơn 75 tuổi rồi. Tôi không yên tâm để các cụ ở quê nên có ý muốn đón lên ở cùng. Ông bà nằng nặc không chịu vì ở quê còn có bạn già chứ thành phố "chẳng khác nào nhà tù giam lỏng", trích nguyên văn lời cha tôi. Mấy lần cha mẹ tôi lên thăm cứ ở được tháng lại đòi về chứ nhất định không chịu ở thêm. Lần này sau rất nhiều lần thuyết phục của cả tôi và vợ, ông bà cũng chịu lên ở hẳn.
Người ta nói đúng, nhà có nhiều thế hệ rất khó dung hòa, nhất là nếp sinh hoạt giữa quê và thành phố. Cả ngày, có khi cả nhà chỉ ăn chung với nhau được một tới hai bữa. Hiện tôi là giám đốc một doanh nghiệp nên khá bận, tuần cũng phải mất vài bữa khách khứa, đó là điều không thể trách khỏi. Còn vợ cũng phải trực một tuần hai ngày. Các con đi học cả ngày nên ông bà buồn. Bà nói lên chỉ muốn có con, có cháu: "Giờ chúng mày bận thế, cha mẹ lại không có bạn già để tâm sự; ăn xong lại đi vào đi ra, chán thì ngủ. Mẹ với cha ở thêm không bệnh cũng bệnh mất thôi con ạ. Con thương mẹ thì cho mẹ về".
Rồi một hai ông bà đòi về lại quê. Bao nhiêu khó khăn, sóng gió trên thương trường không khuất phục và làm tôi đau đầu như việc này. Giờ tôi có nên tiếp tục năn nỉ cha mẹ ở lại và bớt đi công việc hay cho ông bà về quê và thuê người giúp việc hỗ trợ ông bà, sau đó thỉnh thoảng về thăm. Tôi thực sự khó nghĩ. Có ai ở trường hợp như tôi xin hãy gửi vài lời khuyên để tôi có thể vẹn toàn hiếu nghĩa. Chân thành cảm ơn!
Nam