Sau bài viết trên, tôi quyết định mua nhà và chuyển con về sinh sống tại Hà Nội cùng chồng. Đồng thời tôi cũng mua ôtô để tiện việc đi lại giữa Hà Nội và tỉnh hàng ngày.
Tôi và hai người làm chung thỏa thuận: Tôi làm việc bốn ngày mỗi tuần tại tỉnh, buộc phải sắp xếp bốn ngày liên tục không cách quãng. Hai người còn lại, mỗi người một hoặc hai ngày trong tuần, tùy công việc họ tự sắp xếp. Dù sắp xếp tự lái xe nhưng để có thể sáng đi tối về liên tục bốn ngày tôi không đủ sức khỏe khi bảy giờ sáng có mặt và 17h30 ra về. Khoảng cách giữa Hà Nội và tỉnh là 60 km nhưng với tình trạng tắc đường tôi thường mất hơn hai tiếng cho mỗi chiều đi hoặc về. Thời điểm này tôi không có cách nào khác là sắp xếp để đi liền bốn ngày trong tuần rồi mới về Hà Nội. Hai ngày làm việc còn lại trong tuần tôi tiếp tục đến cơ sở tại Hà Nội.
Tôi luôn mang theo bé ba tuổi đi làm, kể cả đi tỉnh, bé sẽ học luôn ở trường của mẹ. Bé sáu tuổi tôi để ở nhà bố đẻ chăm sóc. Bố tôi tự kinh doanh, không cố định giờ giấc, việc đưa đón con cái đi học vợ chồng tôi không sắp xếp được. Tôi đã mua nhà ngay cạnh cổng trường con học. Con thường tự đi học và về nhà. Tôi cũng rèn luyện con tự tắm, tự học, chờ bố về muộn. Con ngoan và đến nay đã tự lập, dù tự học thành tích học tập tốt. Có buổi bố, mẹ đều không về buổi tối, bé sẽ tự đi sang nhà bác cũng gần trường (nhưng cách xa nhà tôi, do trường 2 cổng khác nhau) và ăn, ngủ tại nhà bác (có các chị lớn dạy bé học thêm). Tôi trăn trở khá nhiều vì không chăm sóc được con nhiều trong giai đoạn này. Bé tự lập tốt và học tốt khiến tôi đỡ áp lực tâm lý hơn.
Thời gian tiếp theo, 11 tháng do dịch Covid các cơ sở của tôi đều tạm ngừng hoạt động. Tôi nghỉ ở nhà thời gian này chăm sóc hai bé. Tài chính ở các cơ sở bị ảnh hưởng nặng nề, một cơ sở tại Hà Nội mà tôi tham gia cổ phần (đang thua lỗ) buộc phải giải thể. Đến nay, các cơ sở hoạt động trở lại, tôi còn cổ phần tại cơ sở ở tỉnh. Thời gian nghỉ dịch, chúng tôi cũng phải vay nợ nhiều để có thể giữ lại được. Cơ sở kinh doanh này có tiềm lực phát triển tốt nên có khả năng hồi phục. Do thay đổi chính sách để giữ được cơ sở kinh doanh này, chúng tôi buộc phải mua thêm cơ sở khác tại tỉnh (cơ sở đang hoạt động hòa vốn, không có lãi, cần phát triển thêm để có lợi nhuận).
Hiện tại, bé trai thứ hai chuẩn bị vào lớp một, không theo mẹ đi làm được nữa. Tôi cho bé học cùng trường với chị để có thể tự đi học và về nhà. Vấn đề của tôi là với yêu cầu công việc hiện tại sẽ không thể chăm sóc hai con:
Một: Hai cổ đông còn lại yêu cầu tôi tăng thời gian làm việc tại tỉnh lên năm ngày mỗi tuần, từ thứ hai tới thứ sáu, để đảm bảo quản lý cả hai cơ sở. Lịch của hai cổ đông còn lại: Thay phiên nhau, mỗi người về tỉnh hai ngày trong tuần, các ngày còn lại họ ở trên Hà Nội để quản lý cơ sở của riêng họ.
Hai: Công việc của chồng không theo giờ hành chính để thay tôi chăm con hoàn toàn vào buổi tối. Anh về muộn thất thường, có thể 10h tối mới về hoặc có hôm không về.
Ba: Tôi không nhờ được sự hỗ trợ từ ông bà nội ngoại vì ông bà bệnh, già yếu.
Bốn: Tôi nghĩ tới phương án thuê người giúp việc nhà hoặc chăm sóc hai. Nghĩ lại chúng tôi phó mặc con cho người giúp việc cả tuần trong thời gian dài cũng không được. Tôi nghĩ dù thuê người giúp việc, bố hoặc mẹ vẫn phải ở cùng con thường xuyên. Chỉ có phương án cho tôi là từ bỏ công việc kinh doanh hiện tại để đảm bảo chăm sóc con, tìm một công việc khác giờ hành chính. Với tôi có một số khó khăn:
Để mua nhà, xe, tôi đang nợ ngân hàng và khá áp lực. Thời điểm dịch bệnh vừa qua tôi cùng hai cổ đông còn gánh thêm nhiều khoản nợ để giữ lại cơ sở kinh doanh và mua thêm cơ sở mới. Từ bỏ công việc hiện tại sẽ nặng gánh thêm cho tôi. Công việc của chồng tôi cũng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đang từ từ khôi phục, chưa đảm bảo hoàn toàn được chi phí cho gia đình. Tiềm năng phát triển và vực dậy của cơ sở kinh doanh khiến tôi trăn trở nhiều. Tôi tính phương án thuê người để hỗ trợ công việc, giảm thời gian đi lại, phân chia lại thời gian hợp lý đi lại giữa tỉnh và Hà Nội giữa ba người nhưng không đạt được sự đồng thuận của hai cổ đông còn lại. Họ không đồng ý cho thuê người ngoài làm thay dù tôi có cam kết. Họ nêu nhiều lý do về tài chính, quản lý, trách nhiệm, sự không tin tưởng...
Có phương án nào hài hòa được tất cả những rắc rối trên của tôi không? Hiện tại tôi chỉ nghĩ đến phương án cuối cùng là rút cổ phần và từ bỏ công việc kinh doanh. Nói thêm, nếu rút lui, cổ phần của tôi không được phép bán ra ngoài (quy định từ khi thực hiện góp vốn. Giá trị quy đổi do hai cổ đông còn lại quyết định và sẽ được tính toán thanh lý cho tôi khi cơ sở có lợi nhuận, dự kiến một, hai năm nữa vì giờ cơ sở đã cạn tài chính sau đợt dịch. Điều này lại gây khó cho tôi vì khi rút vốn tôi cần tiền để tính công việc kinh doanh khác hoặc trả bớt nợ hiện tại.
Tôi thấy bản thân đang bị ép trong mọi tình huống nên cũng nghĩ đến việc từ bỏ việc kinh doanh này. Bản thân lại khó khăn về tài chính nên tôi vẫn cần lợi nhuận từ đó để giải quyết nợ. Tôi phải làm sao đây?
Hoa
Độc giả gọi vào số 024 7300 8899 (máy lẻ 4529) trong giờ hành chính để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc