Trong phiên họp Quốc hội Indonesia ngày 3/12, Bộ trưởng Đầu tư Rosan Roeslani cho biết chính phủ sẽ gặp gỡ đại diện Apple tuần sau để đảm bảo cam kết đầu tư. "Chúng tôi đã thảo luận giai đoạn đầu, và tôi sẽ nhận được văn bản từ họ, với yêu cầu đầu tư một tỷ USD cho giai đoạn đầu", ông nói.
Từ giữa tháng 10, Indonesia cấm bán iPhone 16 vì không đáp ứng điều kiện tỷ lệ nội địa hóa của địa phương. Ban đầu, Apple đề xuất chi 10 triệu USD, sau đó nâng lên 100 triệu USD để thông qua đối tác mở một nhà máy phụ kiện và linh kiện tại quốc gia lớn nhất Đông Nam Á với hy vọng gỡ bỏ lệnh cấm.
Tuy nhiên, chính phủ Indonesia từ chối, cho rằng con số này không đáp ứng nguyên tắc công bằng về đầu tư. "Cuối cùng, đó là sự công bằng. Nếu Apple hưởng lợi từ Indonesia, họ phải đầu tư và tạo việc làm tại đây", ông Roeslani nói.
Trong khi đó, theo Business Times, Bộ Công nghiệp Indonesia đã soạn thảo kế hoạch sửa đổi, bổ sung quy định nhằm thúc đẩy các công ty sản xuất toàn cầu rót tiền vào đây. Thứ trưởng Faisol Rizal cho biết chính phủ đang xem xét để nâng ngưỡng yêu cầu và đánh giá lại liệu các yếu tố như nghiên cứu và phát triển (R&D) có nên tiếp tục được tính vào việc đáp ứng quy định hay không. "Mục tiêu của những thay đổi này là củng cố và hỗ trợ sự phát triển của ngành công nghiệp nội địa Indonesia", Rizal nói.
Hiện Indonesia yêu cầu sản phẩm từ công ty điện tử nước ngoài phải có 35-40% thành phần xuất xứ trong nước trở lên nếu muốn bán tại đây. Tại khu vực Đông Nam Á, Apple không có cơ sở sản xuất ở Indonesia, thay vào đó, công ty vận hành các học viện phát triển tại Jakarta và Batam, chủ yếu đào tạo tài năng và nghiên cứu đổi mới.
Trong khi đó, Việt Nam đứng đầu khu vực và đứng thứ tư thế giới về số lượng cơ sở sản xuất cho Apple. Hãng không trực tiếp xây dựng và sở hữu nhà máy, mà thông qua đối tác đặt 35 cơ sở ở Việt Nam, 24 ở Thái Lan, 23 ở Singapore, 19 ở Malaysia và 17 tại Philippines.
Việt Nam hiện có những nhà máy lớn chuyên lắp ráp thiết bị Apple như AirPods, iPad, Apple Watch và MacBook. Giới phân tích ước tính đến 2025, Việt Nam sẽ đóng góp 20% tổng sản lượng iPad và Apple Watch, 5% MacBook và 65% AirPods.
Ngày 15-16/4, Tim Cook tới Việt Nam và gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính. CEO Apple đề xuất thúc đẩy hoạt động hợp tác, đầu tư chất lượng cao, trong đó cam kết mua nhiều hơn linh phụ kiện do các đối tác sản xuất tại Việt Nam, đồng thời hỗ trợ lĩnh vực đổi mới sáng tạo. Hãng cũng cho biết đã hỗ trợ hơn 200.000 việc làm thông qua chuỗi cung ứng và nền kinh tế ứng dụng iOS. Tổng đầu tư của Apple tại Việt Nam từ 2019 đến nay đạt 400 nghìn tỷ đồng (16 tỷ USD), thông qua chuỗi cung ứng.
Hồi tháng 10, giải thích trên CNBC Indonesia, Budi Arie Setiadi, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Indonesia cho biết Apple đề nghị được ưu đãi "tương tự đã nhận được tại Việt Nam", trong đó có ưu đãi về thuế nếu đảm bảo cung cấp được hàng trăm nghìn việc làm. Nhưng theo ông Budi, yêu cầu đó "quá lớn" và có thể khiến các hãng khác đòi hỏi tương tự.
Theo Channelnewsasia, lệnh cấm bán đã gây ra những ý kiến trái chiều từ người dùng trong nước. Nhiều người nói Apple và các công ty cần tuân thủ quy định khi hoạt động ở nước này. Trong khi đó, số khác cho rằng quy định phức tạp cản trở việc tiếp cận công nghệ của người dùng, khiến họ phải mua iPhone 16 từ thị trường Singapore, Malaysia và mang lại lợi nhuận cho những nước đó. Trang này dẫn chứng iPhone 16 tại Singapore có giá trung bình 1.000 USD, nhưng người dân Indonesia đang phải chi thêm 155 USD để sở hữu dưới dạng máy "xách tay".
Bảo Lâm
- Apple muốn tăng 10 lần tiền đầu tư để bán iPhone 16 tại Indonesia
- Từ chối 100 triệu USD của Apple, Indonesia vẫn cấm bán iPhone 16
- Apple đề xuất chi 10 triệu USD để bán iPhone tại Indonesia
- Apple đầu tư chưa đủ, Indonesia không cho bán iPhone 16