Làng Lệ Mật (Việt Hưng, Long Biên) cách trung tâm Hà Nội khoảng 7 km không rõ từ bao giờ đã nổi tiếng về ẩm thực món rắn. Truyện xưa kể rằng, năm 1072, công chúa Lý Ngọc Hoa, con gái vua Lý Công Uẩn dạo chơi trên sông Thiên Đức (nay là sông Đuống) bị con Giảo Long cuốn trôi. Vào lúc đó chàng trai nghèo làng Lệ Mật sống ở ven sông bằng nghề bắt rắn đã giết con Giảo Long cứu công Chúa.
Đươc vua ban thưởng vàng bạc châu báu nhưng chàng trai nghèo Lệ Mật khước từ chỉ xin vua mảnh đất ở phía bắc kinh thành Thăng Long để khai hoang rồi lập lên 13 làng trại gọi là "Thập Tam Trại". Từ đó có làng Lệ Mật chuyên nghề bắt rắn và nuôi rắn, lấy ngày 23 tháng 3 âm lịch hàng năm là ngày hội làng.
Có thời nghề nuôi rắn trở thành nghề chính của làng, cả làng lớn nhỏ ai cũng biết bắt rắn và rắn trở thành món hàng kinh tế làm giàu cho Lệ Mật. Trải qua nhiều biến cố thăng trầm, đất nông nghiệp mất dần, con rắn của làng từ những ngày xuất khẩu chuyển thành những món ăn trên bàn nhậu và giờ làng rắn hưng thịnh một thời nổi danh với món ngon thịt rắn.
Ai nghĩ đến ăn rắn cũng nghĩ ngay đến Lệ Mật. Qua cầu Long Biên đến đầu Việt Hưng là đến làng. Làng quê giờ không còn cây tre, bến nước, thay vào đó là con đường nhựa chạy xuyên suốt làng với hai bên nhà nào cũng cao tầng.
Rắn để làm món chủ yếu là rắn ráo hay rắn hổ mang bành, tầm hơn một cân. Khách đến ăn rắn được ra chọn rắn trong lồng, thích ăn con nào thì bắt con đấy rồi cân lên và chờ món được dọn lên
Con rắn nhỏ nhưng cũng đủ 10 món bưng lên cho khách. Đầu tiên là súp rắn rồi đến chả rắn lá lốt, lòng rắn xào, rắn nộm hoa chuối, xôi rắn, nem rắn, da rắn chiên giòn, rắn tẩm bột, rắn nhồi thịt... Thịt rắn ăn có vị ngọt và được chế biến dễ ăn cùng với các loại gia vị.
Từ lâu, thịt rắn đã được công nhận là một vị thuốc quý với tên là xà nhục. Từ thịt rắn có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon, bổ dưỡng, và các tác dụng chữa bệnh. Thịt rắn được xếp vào hàng những món ăn cao cấp và bổ dưỡng. Món rắn không phải ai cũng ăn được, cẩn thận với trẻ nhỏ và phụ nữ vì có thể bị dị dứng.
Bài và ảnh: Lam Linh