Theo Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế Dự phòng, Zika là bệnh lành tính tự khỏi, không gây biến chứng đối với người bình thường, chỉ biến chứng lên thai nhi nên phụ nữ mang thai đặc biệt lưu ý trong thời gian này. Zika chưa có văcxin phòng bệnh. Vì vậy, đối với bệnh không thuốc điều trị, phòng tránh là quan trọng nhất.
Zika lây qua muỗi đốt, truyền máu, quan hệ tình dục, song muỗi truyền là con đường phổ biến nhất. Kể cả trước khi Việt Nam phát hiện 2 ca nhiễm virus Zika đầu tiên, người dân được khuyến cáo chủ động phòng ngừa lây nhiễm. Hầu hết mọi người, nhất là thai phụ, được khuyến cáo ngủ màn tránh muỗi đốt. Song, muỗi truyền Zika đốt ban ngày trong khi người Việt hầu như chỉ mắc màn ngủ vào ban đêm.
Dưới đây là những điều cần biết về muỗi truyền Zika:
Đặc điểm muỗi truyền Zika
Theo Webmd, muỗi Aedes aegypti còn được gọi là muỗi vằn do chúng có vằn đen trắng quanh các chi. Đây là loại muỗi rất nhỏ, thường sống trong nhà, gần người. Nó thích đẻ trứng ở những dụng cụ chứa nước và những nơi nước đọng. Chúng thường đốt người vào ban ngày.
Tiến sĩ Carolyn McBride của Đại học Princeton (Mỹ), người chuyên nghiên cứu về Aedes aegypti cho biết: "Chúng sống gắn với con người. Chúng tìm mọi cách để thích nghi với điều đó và có khả năng nhận ra mùi của con người nhanh chóng".
Vòng đời muỗi truyền Zika
Trong môi trường phát triển thuận lợi, chỉ sau khoảng 10-15 ngày, từ trứng muỗi sẽ phát triển thành bọ gậy, loăng quăng, muỗi non và trở thành muỗi trưởng thành.
Muỗi cái sau khi nở từ trứng chỉ khoảng 5-8 ngày sau đã trở thành muỗi trưởng thành và có thể hút máu người, tìm nơi đẻ trứng trong các dụng cụ chứa nước.
Tốc độ lan truyền muỗi truyền Zika
Vòng đời của muỗi Aedes aegypti thường kéo dài từ khoảng 2 tuần đến 4 tuần phụ thuộc vào môi trường và điều kiện tự nhiên. Muỗi Aedes aegypti không bay đi quá xa và không quá 200 m trong suốt vòng đời của nó.
Cách muỗi vằn lây truyền bệnh Zika
Virus Zika lây truyền khi một con muỗi Aedes hút máu người bị nhiễm, sau đó lại đi hút máu người không bị nhiễm và truyền virus. Người nhiễm bệnh hầu hết đều không có triệu chứng cụ thể.
Hạn chế muỗi đốt
Hiện tại không có biện pháp nào giúp loại bỏ muỗi ra khỏi môi trường sống một cách triệt để. Các biện pháp đang sử dụng chỉ có thể hạn chế muỗi đốt.
- Phun thuốc, xịt thuốc diệt muỗi xung quanh nơi sống.
- Đậy kín các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
- Tránh để các vật dụng trong nhà có nước đọng như chai lọ, xoong, chậu...
- Nếu nhà trồng cây cảnh, bể cá... cần phải cọ rửa, làm sạch, lau khô thường xuyên.
- Có thể dùng hương đuổi muỗi nhưng đảm bảo loại hương không có hại cho con người.
- Sử dụng thuốc chống muỗi trực tiếp lên da, quần áo để hạn chế muỗi đốt.
- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
>> Xem thêm <<
Dấu hiệu nhận biết cơ thể mắc bệnh Zika
Những điều cần biết về virus Zika gây bệnh đầu nhỏ
Bệnh đầu nhỏ do virus Zika là gì
Lê Nga
lenga@vnexpress.net