Muỗi biến đổi gene nằm trong thí nghiệm thả động vật chỉnh sửa gene trên quy mô rộng đầu tiên ở Mỹ, được thiết kế nhằm diệt trì quần thể muỗi vằn ở địa phương, một loài chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số muỗi ở quần đảo Florida Keys nhưng liên quan tới nhiều bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết và Zika. Sau một thập kỷ vấp phải sự phản đối từ người dân địa phương, công ty công nghệ sinh học Oxitec của Anh cuối cùng đã được cấp phép tiến hành thí nghiệm. Giờ đây, những con muỗi đã đủ lớn để rời khỏi lưới.
Oxitec chỉnh sửa gene muỗi vằn để chỉ có con đực không hút máu sống sót qua giai đoạn ấu trùng và tới tuổi trưởng thành trong khi muỗi cái thường đốt người và động vật sẽ chết sớm. Theo đó, muỗi đực biến đổi gene sẽ giao phối với muỗi cái hoang dã, dẫn tới ngày càng ít muỗi cái chào đời sau mỗi thế hệ.
Nếu thí nghiệm thành công, Oxitec có thể tiến tới chiến lược kiểm soát côn trùng gây hại, loại bỏ muỗi gây bệnh mà không cần phun hóa chất. Tuy nhiên, thí nghiệm này đang là tâm điểm gây tranh cãi. Người dân địa phương ở Florida Keys, các nhà hoạt động môi trường và giới chuyên gia cho rằng Oxitec chưa chứng minh thí nghiệm có hiệu quả hay không. Họ lo ngại thí nghiệm này có thể gây hại cho hệ sinh thái trên đảo.
Việc thiếu dữ liệu, tập trung nhiều vào tiếp thị và lịch sử thả động vật biến đổi gene trong quá khứ của Oxitec trên khắp thế giới đấy lên nghi ngờ về kết quả của thí nghiệm mới. Nhưng với lứa muỗi đầu tiên đã cất cánh và hàng chục nghìn con nữa sẵn sàng giao phối sau mỗi tuần, người dân ở Florida Keys sẽ phải chờ xem hiệu quả của thí nghiệm.
An Khang (Theo Futurism)