Năm ấy tôi khoảng 5 tuổi, lúa ngoài đồng chín rộ báo hiệu một mùa Tết lại đến, ba má tôi vì muốn có thêm tiền trang trải mấy ngày Tết nên quyết định lên tận thị xã bán cá đồng. Nhà không ai trông nom lại không tiện đưa anh em tôi theo nên ba má gởi bọn tôi sang nhà ngoại cho yên tâm.
Nhà ngoại khá xa, ba má chở chúng tôi trên chiếc xuồng ba lá gần nửa ngày đường mới đến. Tuy không khá giả nhưng nhà ngoại có cả một vườn đủ thứ trái cây. Nào là xoài, ổi, mận... Vừa tới, mấy anh em tôi cõng nhau chạy nhanh ra sau vườn, đứa lớn trèo lên hái, đứa nhỏ ở dưới hứng ăn no cả bụng. Được một lúc, ba má gọi bọn tôi vào bảo "Con ở nhà với ngoại, ba má đi kiếm tiền mua đồ Tết cho mấy đứa rồi về". Ngày đó còn nhỏ nhưng tôi ít khóc nhè, lại tưởng tượng được chơi trốn tìm cùng anh em họ và ăn trái cây thỏa thích nên tôi gật đầu đồng ý "Dạ. Má nhớ mua cho con gấu bông nữa".
Ba má xuống xuồng về, tôi và ngoại đứng trên bờ sông mãi nhìn theo. Ngoại sợ tôi tủi thân nên dẫn tôi vào nhà, ôm tôi vào lòng kể đủ thứ chuyện hồi còn chiến tranh. Ngoại hát tôi nghe những câu hát lá xanh, lá đỏ.
Ở nhà ngoại lâu cũng có lần tôi nhớ ba má. Hôm đó, ngoại cùng dì cậu ra ruộng róc lá chuối gói bánh tét, bọn tôi vì sợ mấy con nhái ướt ngoài ruộng nên nhất quyết không đi theo. Nhưng được một lúc khi các anh tôi ngủ, tôi nghe ngoài vườn tiếng lá dừa đập vào nhau xào xạt, tiếng gió rít lên từng hồi kêu thành tiếng "hú hú" làm tôi sợ điếng cả người. Tôi sợ quá nên khóc toáng lên gọi ba má. Ngoại ở ngoài đồng nghe tiếng tôi nên chạy vào nhà vỗ "Nín con... vài bữa ba má về". Thấy vậy, ngoại dẫn tôi ra vườn cùng các dì các cậu sắp lá chuối cho kịp về cúng rước ông bà. Tết ngày ấy với những người dân vùng miệt thứ "muỗi kêu như sáo thổi" đơn giản chỉ là vài ba bộ quần áo, một nồi thịt kho trứng, nhưng có lẽ thứ không thể thiếu được chính là nồi bánh tét. Không chỉ là loại bánh truyền thống miền Nam, bánh tét được xem như là một trong những tiêu chí đánh giá sự khéo tay của người phụ nữ trong gia đình.
Dù đã sáng mồng một tết nhưng ba má vẫn chưa về, anh em tôi đã rơm rớm nước mắt khi thấy anh em họ ai nấy đều đã có quần áo mới. Đang mếu máo, chợt anh em tôi nghe con vện sủa rền mép sông. "A...ba má về"! Anh hai tôi la lên khi thấy ba má cập xuồng vào bến. Thấy ba má, tôi tủi thân khóc nhè "Sao ba má đi lâu quá vậy?". Ba má ôm tôi rồi lôi trong túi xách quần áo mới, gấu bông mới tinh. Tôi hí hửng, vội chạy đi thay đồ, rồi tự cười một mình. Được một lúc, ba má kêu anh em tôi thắp nhang cho ông ngoại rồi về nhà. Tôi thắp nhang xong nhưng nghĩ đến cảnh không được ngoại kể chuyện, không được trơi trốm tìm, tôi "bẻ chỉa" không chịu về. Ba má dụ đủ thứ mà tôi một hai vẫn không chịu về. Hết cách, ba tôi lấy roi mây dốc cho tôi vài phát vì tội không nghe lời. Tôi khóc thét lên. Ngoại chạy đến ôm tôi rồi dỗ "Nín con! Mồng một không được khóc. Khóc là ông kẹ bắt nghe chưa. Về nhà rồi mai mốt qua ngoại nữa". Chỉ có thế tôi mới nín, gật đầu chịu về.
Mười mấy năm trôi qua, năm nào cứ mồng một Tết là tôi lại đòi sang nhà ngoại, với tôi đó là khoảng thời gian ý nghĩa nhất. Vậy mà năm nay có lẽ là cái Tết buồn nhất. Tôi đã không còn đón tết cùng ngoại, không còn được nghe ngoại kể chuyện hồi còn chiến tranh, không nghe được bài hát quen thuộc ngoại hát. Ngoại đã ra đi khi tôi vẫn còn miệt mài con chữ nơi thành phố xa hoa. Tôi không kịp về đưa tiễn ngoại, mắt tôi nhòe đi khi tin ngoại mất. Thắp nén nhang cho ngoại, tôi đón tết với tâm trạng trĩu nặng... chợt nhìn thấy mấy đứa em độ tuổi tôi khi xưa tung tăng bộ quần áo mới, tôi nhoẻn cười thấy mình trong hình ảnh đó. Và tôi nghĩ, xuân đến rồi xuân đi theo một vòng tuần hoàn, đất trời là vô hạn, con người hữu hạn. Vậy nên tôi tin rằng, ở nơi xa đó ngoại sẽ vui hơn nếu thấy tôi luôn tươi cười. Tết vẫn luôn là niềm mong đợi nhất của mỗi người.
Từ ngày 15/1 đến hết 1/3, độc giả VnExpress có thể tham gia cuộc thi "Tết và tuổi thơ" để chia sẻ những cảm xúc, kỷ niệm ngày Tết bé thơ đầm ấm bên gia đình. Độc giả bấm vào đây để tham gia. |
Trần Vũ Em