Thắc mắc của cô đã được ông Khanh, thợ sửa xe lâu năm ở 81A phố Mai Hắc Đế, Hà Nội, tận tình giải thích. Tình trạng tràn xăng ở chế hòa khí xảy ra chủ yếu ở xe của các hãng Kawasaki, SYM, Suzuki. Ở các loại xe này, bộ phận kim ba cạnh (có chức năng đóng xăng khi cốc xăng ở chế hòa khí đã đầy) làm bằng thép. Sau một thời gian sử dụng, kim ba cạnh bị méo hoặc có vết gợn dẫn tới việc đóng xăng không kín, tràn xăng ra ngoài theo ống thoát.
Bệnh này ít xảy ra ở các xe có kim ba cạnh đầu cao su. Nhưng ở loại xe này, lỗ ghít (phần mà kim ba cạnh cắm vào để đóng xăng) thường được đúc liền với chế hòa khí và là hợp kim nhôm (ăng ti moan). Sử dụng lâu, lỗ ghít bị ôxy hóa thành vết sùi, dẫn tới kim ba cạnh đóng không khít, gây chảy xăng.
Xử lý hiện tượng chảy xăng do kênh kim ba cạnh - ghít chỉ cần làm ghít và đầu kim ba cạnh khít nhau, nhưng phụ thuộc vào sự tinh ý và khéo tay của thợ. Ngoài ra, còn phụ thuộc vào việc người thợ đó có nguồn kim ba cạnh đầu cao su không, vì kim cao su là giải pháp rất tốt để xử lý hiện tượng này ở xe dùng kim sắt. Tuy nhiên, theo ông Khanh, việc doa lỗ ghít mạnh tay là tối kỵ vì gia công hỏng sẽ buộc phải đại tu chế (đóng cốt ghít khác).
Hiện tượng xăng bốc mùi ở xe còn có thể do nguyên nhân cốc xăng lắp không khít, kênh, hở gioăng cao su ở chế hòa khí... Trường hợp này dễ xử lý hơn. Nếu gioăng cao su kém thì đơn giản là thay mới, kèm theo một chút keo mà các hiệu sửa xe có sẵn. Nếu mặt bích của cốc xăng bị vênh, cách duy nhất là rà trên bàn rà phẳng. Cũng có trường hợp bị ẩm chế hòa khí do sai sót khi lắp. Người lắp siết các ốc không đều làm vênh, kênh cốc xăng. Trường hợp này chỉ cần tháo ra, lắp lại.
Tình trạng xăng bị bẩn, xe dùng lâu không vệ sinh bình xăng, chế hòa khí để đóng cặn ở trong các bộ phận này cũng dễ gây hỏng hóc. Do đó vệ sinh thường xuyên các bộ phận trên (khoảng 7.000 km/lần) cũng là cách hạn chế những khó chịu do mùi xăng gây ra.
Ông Khanh, chủ hiệu sửa xe nói trên, có nguồn của nhiều loại kim ba cạnh khác nhau và có bộ đồ gia công khá tinh xảo.
N.N.