Kết quả sơ bộ của nghiên cứu huyết thanh học được thực hiện trên các nhân viên y tế tại Bệnh viện Sheba ở Ramat Gan, ngoại ô Tel Aviv, cho thấy lượng kháng thể của những người này sau khi tiêm mũi tăng cường cao hơn gấp 10 lần khi tiêm mũi thứ hai, truyền thông Israel ngày 14/9 đưa tin.
Nghiên cứu trên so sánh lượng kháng thể của các nhân viên y tế một tuần sau khi họ tiêm mũi thứ hai và mũi tăng cường, song chưa công bố loại vaccine Covid-19 nào được sử dụng.
Bệnh viện Sheba cho biết họ đang xem xét thận trọng kết quả nghiên cứu và sẽ tiếp tục theo dõi lượng kháng thể của những người được tiêm mũi tăng cường trong những tháng tới.
Israel là quốc gia đầu tiên trên thế giới tiêm tăng cường vaccine Covid-19. Chiến dịch tiêm mũi tăng cường của Israel bắt đầu từ 1/8, ban đầu áp dụng cho người trên 60 tuổi.
Israel sau đó mở rộng chương trình với người từ 12 tuổi trở lên đã được tiêm mũi vaccine thứ hai trước đó ít nhất 5 tháng. Tính tới 15/9, ít nhất ba triệu người Israel đã tiêm mũi tăng cường.
Trong khi quá trình tiêm mũi tăng cường đang được tiến hành, Salman Zarka, chuyên gia hàng đầu về Covid-19 của Israel, đã kêu gọi nước này bắt đầu công tác chuẩn bị để tiêm mũi vaccine Covid-19 thứ 4. "Covid-19 đang và sẽ tiếp tục ở đây, do đó chúng ta cần chuẩn bị tiêm mũi vaccine thứ 4", Zarka nói, song không cho biết thời điểm Israel có thể triển khai chương trình này.
"Với việc tác dụng của vaccine suy yếu và lượng kháng thể giảm theo thời gian, dường như chúng ta sẽ cần tiêm nhắc lại theo chu kỳ 6 tháng hoặc một năm", Zarka cho biết hồi tháng 8.
Bộ Y tế Israel hồi đầu tháng 9 thông báo thẻ xanh Covid-19, giấy chứng nhận cho phép người đã tiêm vaccine được phép vào một số địa điểm công cộng nhất định, sẽ hết hạn 6 tháng sau khi họ tiêm mũi thứ hai hoặc thứ ba. Quyết định này cho thấy Israel có thể triển khai tiêm mũi vaccine tiếp theo 6 tháng sau khi tiêm liều tăng cường.
Tuy nhiên, 18 chuyên gia và hai cựu quan chức Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) hồi đầu tuần tuyên bố rằng chưa cần tiêm liều thứ ba cho phần lớn người dân.
Báo cáo được công bố trên tạp chí y khoa Lancet cho biết ngay cả với biến chủng siêu lây nhiễm Delta, "liều tăng cường nhìn chung chưa phù hợp trong giai đoạn này của đại dịch".
Sau khi Israel và một số quốc gia bắt đầu tiêm mũi tăng cường do lo ngại biến chủng Delta, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi các nước giàu hoãn chương trình này do quan ngại về nguồn cung vaccine cho các nước nghèo hơn, nơi hàng triệu người chưa được tiêm mũi vaccine Covid-19 đầu tiên.
"Tôi sẽ không im lặng khi các quốc gia và công ty kiểm soát nguồn cung vaccine toàn cầu cho rằng người nghèo trên thế giới nên hài lòng với phần dư thừa", Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom nói trong cuộc họp báo ngày 8/9.
Tedros kêu gọi những quốc gia giàu có và các hãng sản xuất vaccine nên ưu tiên mũi đầu tiên cho nhân viên y tế cùng nhóm dân cư dễ bị tổn thương ở các quốc gia nghèo hơn, thay vì tiêm liều tăng cường. "Chúng tôi không muốn chứng kiến việc tiêm mũi tăng cường rộng rãi cho những người khỏe mạnh đã hoàn thành liệu trình", Tedros nói.
Nguyễn Tiến (Theo Times of Israel)