Nghiên cứu công bố trên tạp chí y khoa Theranostics, do các chuyên gia tại Đại học Tel Aviv thực hiện, thử nghiệm trên chuột mang khối u ung thư da ác tính. Theo nghiên cứu, một mũi tiêm duy nhất có khả năng tiêu diệt 44-66% tế bào ung thư da được nhắm mục tiêu.
Giáo sư hóa sinh Dan Peer, Đại học Tel Aviv, người đứng đầu nghiên cứu, giải thích nhiều vi khuẩn tiết ra chất độc, nổi tiếng nhất là botulinum, thường được sử dụng trong liệu trình tiêm botox. Ý tưởng cốt lõi là đưa các phân tử RNA an toàn, được mã hóa cho độc tố vi khuẩn vào các tế bào ung thư, khiến tế bào tạo ra loại protein độc hại tác động ngược lên chính chúng.
"Giống như chúng ta đang đặt một gián điệp bên trong tế bào ung thư", ông nói.
Với ý tưởng trên, các nhà khoa học đã mã hóa công thức độc tố thành phân tử RNA thông tin, sau đó đóng gói thành các hạt nano phủ kháng thể, đảm bảo chúng chỉ ảnh hưởng đến tế bào ung thư mà không quay lại tấn công tế bào khỏe mạnh của người.
Cụ thể, trong các thử nghiệm, nhóm nghiên cứu mã hóa thông tin di truyền cần thiết giúp sản xuất độc tố từ khuẩn pseudomonas thành RNA thông tin (mRNA). Pseudomonas bao gồm 313 loài vi khuẩn gram âm, đa dạng về mặt trao đổi chất, có thể tồn tại ở nhiều môi trường khác nhau.
Các phân tử mRNA được bọc trong những hạt nano lipid, sau đó phủ lớp kháng thể được thiết kế để chọn lọc tấn công tế bào ung thư khối u ác tính.
"Một mũi tiêm đơn giản vào phần khối u cư trú có thể khiến tế bào ung thư 'tự sát' mà không làm tổn hại đến các tế bào khỏe mạnh", giáo sư Peer nói, thêm rằng tế bào ung thư không thể kháng lại công nghệ này, bởi các nhà khoa học luôn sử dụng loại độc tố tự nhiên.
Nếu được công nhận về độ hiệu quả, nhóm nghiên cứu kỳ vọng phương pháp điều trị này có thể khắc phục một trong những hạn chế chính của hóa trị, là không chọn lọc và gây tác dụng phụ lên cả tế bào khỏe.
Thục Linh (Theo Express)