Khối u xâm lấn, thâm nhiễm lan tỏa từ trước ra phía sau ngực trái, tới sát cột sống ngực và lan một phần xuống vùng bụng bệnh nhân. Phần mềm thành ngực tấy đỏ, nhiều chỗ chảy mủ màu trắng đục. Bác sĩ Trịnh Tú Tâm, Trưởng đơn vị điện quang can thiệp và điều trị đau, Bệnh viện Hữu nghị, cho biết bệnh nhân đã điều trị ở nhiều bệnh viện, song hiệu quả giảm đau thấp, tác dụng phụ của thuốc khiến bà thường xuyên mệt mỏi, nôn nhiều, có dấu hiệu trào ngược dạ dày.
Ban đầu, để xác định vị trí thần kinh chi phối, bác sĩ tiêm thuốc tê phong bế khoang dưới cơ dựng sống bên trái của người bệnh. Tình trạng giảm đau chỉ kéo dài khoảng 2-3 ngày.
"Mũi tiêm đầu tiên đã phong bế đúng vị trí gây đau nhiều nhất của bệnh nhân, tuy nhiên cần được duy trì thuốc giảm đau thường xuyên trong khoảng 1-2 tuần mới hy vọng cắt được vòng phản xạ đau của người bệnh", bác sĩ Tâm nói.
Tiếp theo, nhóm điều trị đặt ống thông nhỏ dưới khoang dưới cơ dựng sống của người bệnh để thông qua đó tiêm thuốc giảm đau hàng ngày. Nhờ vậy, người nhà không cần chọc kim nhiều lần, có thể tự bổ sung thuốc cho bệnh nhân để duy trì nồng độ thuốc giảm đau, chống viêm.
Một ngày, người bệnh được tiêm thuốc giảm đau 3 lần. Sau 5 ngày, mức độ giảm đau rõ rệt.
Bác sĩ Tâm cho biết phương pháp điều trị gọi là kỹ thuật gây tê mặt phẳng cơ dựng sống (ESP), ngăn chặn tín hiệu đau truyền qua tủy sống lên thần kinh trung ương. Đây là kỹ thuật mới, thay thế hoàn toàn thuốc morphine giảm đau trong phẫu thuật tim hở và phẫu thuật lồng ngực ở người lớn và trẻ em do morphine đã bộc lộ nhiều hạn chế và nguy hiểm cho người bệnh.
Hiện nay, ESP được mở rộng sử dụng trong điều trị đau mạn tính ở vùng thành ngực, bụng, ví dụ đau do ung thư giai đoạn cuối, đau sau zona... Phương pháp này an toàn do được thực hiện dưới hướng dẫn của siêu âm, không ảnh hưởng trực tiếp tới tủy sống và cấu trúc giải phẫu của thần kinh.
Kỹ thuật mới giúp người bệnh được giảm đau tối đa sau mổ, rất an toàn, rút ngắn thời gian nằm viện và phục hồi, giúp nhanh chóng trở lại cuộc sống bình thường. Đối với người bệnh đau mạn tính trên 3 tháng việc điều trị giảm đau giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện thể lực và tăng hiệu quả của các phương pháp điều trị phối hợp.
Nửa tháng sau nhập viện, ngày 13/1 bệnh nhân này đã có thể ăn, ngủ, sinh hoạt bình thường, không phải uống thuốc giảm đau. Vết thương ngoài da được thay băng, vệ sinh thuận lợi, giảm tình trạng chảy mủ.
Chi Lê