Nghiên cứu thực hiện bởi Aalekhya Reddam và David C. Volz từ Đại học California Riverside, bang California, Mỹ, nhằm ước tính việc tiếp xúc của con người với các chất hóa học trên ôtô, gồm cả các tác nhân ung thư, ở điểm nào là vượt quá mức an toàn.
Nghiên cứu dựa trên thời gian đi lại hàng ngày bằng xe hơi, cũng như mức độ chất hóa học trên xe từ những nghiên cứu trước đây, thấy rằng việc phơi nhiễm với những chất này, chủ yếu là benzene (C6H6) và formaldehyde (CH2O), có thể vượt mức an toàn. Cụ thể, nghiên cứu tính toán lượng benzene và formaldehyde mà các tài xế hít vào với hành trình ít nhất 20 phút mỗi ngày, và thấy rằng ngồi trong ôtô nhiều hơn thời gian này, các tài xế đối diện với những nguy cơ về sức khỏe.
Cả benzene và formaldehyde trên đều có trong danh sách Proposition 65 của California về những chất gây ung thư được nhận diện. Benzene có thể tìm thấy trong cao su và các chất nhuộm, còn formaldehyde được sử dụng trong sản xuất thảm lót và sơn.
Các chất hóa học trên được xếp hạng là tác nhân ung thư, nhưng còn tùy thuộc vào liều lượng và mức độ tiếp xúc để dẫn tới nguy hiểm. Câu hỏi đặt ra, là làm gì để hạn chế nguy cơ phơi nhiễm hóa chất ung thư?
Câu trả lời đưa ra tùy đối tượng, có thể hạn chế thời gian đi lại hàng ngày bằng ôtô, hoặc nếu không thể thì đành chịu, như với những người làm công việc của một tài xế chuyên nghiệp. Đề xuất khác đưa ra là các hãng ôtô cần giảm việc sử dụng các nguyên vật liệu chứa chất có hại tới sức khỏe để sản xuất xe hơi.
Reddam, một trong hai nhà nghiên cứu đưa ra lời khuyên, rằng khi xe chạy, các tài xế nên hạ cửa kính nếu có thể. "Ít nhất với không khí từ bên ngoài, bạn cũng làm loãng đi nồng độ hóa chất trong xe", Reddam nói.
Mỹ Anh (theo ScienceDaily)