Sáng 5/7, hơn trăm ghe hành nghề lưới mùng và pha xúc tấp nập mang cá cơm về bến. Từng giỏ cá tươi rói được thuyền thúng trung chuyển từ ghe lớn vào bờ, xếp ngay ngắn dọc bãi cát dài hơn 300 m.
Anh Nguyễn Duyên, ngư dân Phan Thiết, neo ghe ở chỗ nước sâu cách bờ hơn 100 m, rồi thuê thuyền thúng chuyển cá cơm vừa đánh được vào bãi. Mùa gió Nam biển rộ cá cơm, ghe của anh đi 10 người, ra khơi đánh suốt đêm qua ở vùng khơi cách bờ 20 hải lý, trúng luồng, bắt được hơn một tấn.
Cá cơm rộ, nên giá cũng "mềm" hơn, trước có giá 18.000-20.000 đồng một kg, nay chỉ còn 15.000 đồng/kg, một tấn thu về 15 triệu đồng. "Đi một đêm, trừ phí tổn, mỗi người kiếm được hơn 800.000 đồng", anh Duyên giọng hồ hởi.
Còn anh Hồ Văn Dự - thuyền trưởng ghe cá ở Cà Ná (Ninh Thuận) cho biết, đội có 12 người làm nghề lưới mùng, đêm qua đánh được hơn trăm giỏ, tổng được 1,6 tấn.
"Bạn thuyền ai cũng hớn hở, vì chuyến này trúng, mỗi người chia được gần triệu bạc. Bán xong, anh em lấy đá, lấy dầu để sẵn, ăn uống nghỉ ngơi ngay trên ghe để chiều tối kịp ra khơi trở lại", anh Dự nói.
Cá cơm vào mùa, rất đông người làm nước mắm truyền thống tại Mũi Né cũng như trong Phan Thiết tìm ra bến chọn mua. Bà Nguyễn Thị Xinh, 60 tuổi, sáng nay mua được 20 giỏ (gần 300 kg). "Đầu vụ Nam, cá cơm béo, muối mắm sẽ cho chất lượng thơm ngon hơn", bà chia sẻ.
"Chợ" còn tập trung nhiều chủ lò hấp cá, ra lấy hàng để làm cá khô xuất khẩu. Tiếng mời chào, trả giá rôm rả. Xe cộ tấp nập vào ra, vận chuyển cá cơm từ bến về các lò hấp trong vùng.
"Nguồn nguyên liệu dồi dào, lò của chúng tôi mới duy trì được công ăn việc làm, có thu nhập rủng rỉnh", bà Hiền vừa mua hai tấn cá tại bến cho biết.
Mũi Né là vùng biển có nhiều cá cơm, mỗi sáng có hơn trăm ghe từ khơi trở về bến Bãi Sau bán cá. Mỗi ngày có hơn 100 tấn cá cơm được tiêu thụ.
Việt Quốc